Được biết, Thanh tra TP Cần Thơ tổ chức tiến hành thanh tra theo Kế hoạch thanh tra năm 2024 đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, giai đoạn 2022 - 2023.
Bên cạnh những mặt đã đạt được, kết luận thanh tra cũng chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ trong việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
    |
 |
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm nhãn hàng hóa. Ảnh minh họa |
Trong việc thực hiện các quy định về công tác thanh tra, Thanh tra Sở có mở sổ theo dõi việc thực hiện quyết định xử lý vi phạm hành chính theo kết luận thanh tra nhưng chưa mở hồ sơ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận theo quy định tại Nghị định số 33/2015/NĐ-CP.
Công tác công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều hạn chế
Trong việc thực hiện các quy định về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo Giám đốc Sở chưa kịp thời ban hành Quyết định phân công công chức phụ trách tiếp công dân thường xuyên, chưa trang bị thiết bị ghi hình tại địa điểm tiếp công dân. Ngoài ra, chưa áp dụng chế độ bồi dưỡng cán bộ làm công tác tiếp công dân theo quy định tại Nghị quyết số 06/2017/NQ-HĐND ngày 06/10/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố.
Đặc biệt trong giải quyết 01 trường hợp tố cáo chưa đảm bảo chặt chẽ về trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018; Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ; chưa lập danh mục, đánh bút lục, lưu trữ hồ sơ tố cáo theo quy định.
Công tác phòng, chống tham nhũng cũng có nhiều thiếu sót
Kết luận thanh tra chỉ rõ, việc chấp hành pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng tại Sở cũng có nhiều thiếu sót như việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác còn trường hợp chưa đảm bảo theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác chưa nêu cụ thể quyền, nghĩa vụ của người phải chuyển đổi vị trí công tác theo quy định khoản 2 Điều 26 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Ngoài ra, việc lập danh sách thuộc đối tượng kê khai, công khai tài sản hàng năm chưa đảm bảo đúng quy định; một số bản kê khai thông tin tài sản về đất, biến động tài sản, tổng thu nhập giữa hai lần kê khai... thực hiện chưa đúng theo hướng dẫn của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP.
Sở chưa công khai thuyết minh tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước và quyết toán ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chưa công khai qua trang thông tin điện tử; báo cáo tình hình thực hiện công khai ngân sách chưa gửi đến cơ quan có thẩm quyền.
Cùng với đó, năm 2022, Sở chưa ban hành Quy chế quản lý sử dụng tài sản công; năm 2023, Quy chế quản lý sử dụng tài sản công chưa xây dựng nội dung quyền và nghĩa vụ của từng bộ phận, cá nhân có liên quan đến mua sắm, tiếp nhận, sử dụng, bán, thanh lý, tiêu hủy và các hình thức xử lý tài sản khác...
Kịp thời có biện pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót sau thanh tra
Để xảy ra những hạn chế trên, theo Thanh tra TP Cần Thơ có nguyên nhân là tập thể, cá nhân có liên quan chưa nghiên cứu đầy đủ và đánh giá đúng mức việc tuân thủ theo quy định của pháp luật về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, Sở có lĩnh vực quản lý nhà nước rộng nhưng số lượng biên chế ít, kinh nghiệm còn hạn chế và phải kiêm nhiệm nhiều việc.
Qua thanh tra, Chánh Thanh tra thành phố kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo bộ phận chuyên môn kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót qua thanh tra. Đồng thời, tổ chức họp rút kinh nghiệm đối với các cá nhân có liên quan đến những hạn chế, thiếu sót qua kết quả thanh tra.