Tăng cường thanh tra để xử lý nợ xấu tại quỹ tín dụng nhân dân ở Phú Thọ

Thứ ba, 19/07/2022 17:21
(ThanhtraVietNam) – Kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các Tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 đối với Quỹ tín dụng nhân dân” đã được UBND tỉnh Phú Thọ ban hành. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Phú Thọ có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát, qua đó có biện pháp chấn chỉnh kịp thời và cơ cấu lại phù hợp.

Việc ban hành Kế hoạch này của Phú Thọ là để thực hiện Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.

Mục tiêu của Kế hoạch này là đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh; nâng cao năng lực tài chính của Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND).

Cụ thể, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các QTDND ở mức dưới 1% trên tổng dư nợ.

Nhóm giải pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD) được xác định là tiếp tục chấn chỉnh, củng cố chất lượng, hiệu quả hoạt động QTDND nhằm đảm bảo hoạt động theo đúng mục tiêu tôn chỉ của loại hình TCTD là hợp tác xã, nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả ổn định và bền vững của QTDND, phù hợp với nhu cầu, quy mô, địa bàn, mức tăng trưởng kinh tế tại địa phương.

Còn nhóm giải pháp xử lý nợ xấu gồm: Đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp; thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý, thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ); kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa đối với nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng.

Đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và Công an, Tòa án, Thi hành án các cấp trong quá trình xử lý TSBĐ để thu hồi nợ, nhằm đảm bảo thu hồi tối đa giá trị các khoản nợ.

leftcenterrightdel
NHNN chi nhánh tỉnh Phú Thọ là đầu mối phối hợp với Ngân hàng Hợp tác xã Chi nhánh tỉnh Phú Thọ, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, các QTDND...để thực hiện công việc nêu tại Kế hoạch. Ảnh: NHNN Chi nhánh Phú Thọ

Theo Kế hoạch, Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với NHNN Chi nhánh tỉnh, UBND các cấp và các cơ quan có liên quan trong phát hiện và điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; tăng cường phối hợp với TCTD đảm bảo an ninh trật tự trong việc thu giữ, xử lý TSBĐ để thu hồi nợ.

NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan  đánh giá, nhận diện, phân loại các QTDND yếu kém theo nhóm để xử lý.

Cụ thể, nhóm QTDND yếu kém không cơ cấu lại thành công, không thể phục hồi hoạt động, cần đẩy nhanh quá trình xử lý pháp nhân (giải thể, hợp nhất, mua lại, phá sản…).

Nhóm QTDND yếu kém có khả năng phục hồi hoạt động, rà soát, điều chỉnh lại phương án tái cơ cấu cho phù hợp; có giải pháp hiệu quả để phục hồi hoạt động; tích cực xử lý dứt điểm các yếu kém, vi phạm pháp luật, đặc biệt trong cấp tín dụng, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, vi phạm các quy định an toàn trong hoạt động; tích cực xử lý nợ xấu.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra