Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thanh tra còn những tồn tại, hạn chế, cụ thể như: Việc xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra còn dàn trải về nội dung và đối tượng thanh tra; chưa đảm bảo quy định về thời hạn báo cáo kết quả thanh tra và ban hành kết luận thanh tra; báo cáo kết quả một số cuộc thanh tra chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ vi phạm, chưa làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm, dẫn đến kiến nghị xử lý chưa đầy đủ hoặc chưa tương xứng; công tác giám sát hoạt động Đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chưa phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh, xử lý kịp thời những tồn tại, hạn chế của các Đoàn thanh tra; công chức, thanh tra viên chưa đổi mới về phương pháp, phong cách làm việc, thiếu tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ.
Nội dung chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm phải trọng tâm, trọng điểm
Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Chánh Thanh tra tỉnh đã đề ra nhiều yêu cầu đối với công tác thanh tra của tỉnh trong thời gian tới:
Thứ nhất, việc xây dựng định hướng chương trình kế hoạch thanh tra hàng năm phải phối hợp chặt chẽ giữa Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh với Thanh tra các sở, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan, nhất là với cơ quan kiểm tra Đảng, Kiểm toán Nhà nước để xây dựng và trình cấp thẩm quyền phê duyệt; nội dung chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm phải trọng tâm, trọng điểm, thực hiện đầy đủ các nội dung theo tinh thần nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các vấn đề mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; đồng thời, đảm bảo tránh sự chồng chéo, trùng lắp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Thứ hai, Phó Chánh Thanh tra tỉnh được phân công phụ trách, trực tiếp chỉ đạo các Đoàn thanh tra, trong đó: cần tập trung chỉ đạo sâu sát đối với Phòng Nghiệp vụ được giao chủ trì các Đoàn thanh tra và Đoàn thanh tra hoạt động theo đúng quy định pháp luật, nhất là việc chỉ đạo đảm bảo yêu cầu về tiến độ và chất lượng Đoàn thanh tra; thường xuyên và định kỳ yêu cầu báo cáo tiến độ trong quá trình thanh tra, trên cơ sở đó chỉ đạo và cho ý kiến giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị liên quan đến nội dung cuộc thanh tra. Việc bố trí người tham gia Đoàn thanh tra phải có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ thanh tra; chỉ đạo việc quản lý và giám sát Đoàn thanh tra.
Thứ ba, Trưởng các Đoàn thanh tra có trách nhiệm trực tiếp và toàn diện về báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo kết luận thanh tra theo quy định pháp luật, nhất là yêu cầu về tiến độ và chất lượng của Đoàn thanh tra; có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức phân công, đôn đốc Phó Trưởng Đoàn thanh tra, các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện các công việc của hoạt động Đoàn thanh tra theo đúng quyết định và không được thanh tra vượt phạm vi, đối tượng, nội dung hoặc bỏ lọt, bỏ sót nội dung theo kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt; giám sát Phó Trưởng Đoàn thanh tra, các thành viên Đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật và các quy chế có liên quan. Không được nhận tiền, nhận quà, ăn uống, giao lưu dưới mọi hình thức với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung, đối tượng thanh tra; chủ động thường xuyên, định kỳ báo cáo Chánh Thanh tra, người được giao giám sát hoạt động Đoàn thanh tra để tham mưu, đề xuất xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị liên quan đến nội dung Đoàn thanh tra; quan tâm hơn nữa việc kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.
Phó Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra có trách nhiệm: Thực hiện đúng nhiệm vụ được phân công, tuân thủ đúng các quy định pháp luật, nhất là trong quá trình thanh tra không được vi phạm những điều cấm trong hoạt động thanh tra và những điều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không được làm; không thanh tra vượt phạm vi, đối tượng, nội dung hoặc bỏ lọt, bỏ sót nội dung thanh tra đã được phân công; không được nhận tiền, nhận quà, ăn uống, giao lưu dưới mọi hình thức với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung, đối tượng thanh tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật về báo cáo kết quả thanh tra của mình, phải đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc được giao, báo cáo kịp thời với Trưởng Đoàn thanh tra những khó khăn, vướng mắc vượt quá nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong quá trình thanh tra. Việc lưu giữ hồ sơ Đoàn thanh tra phải đảm bảo, không để thất lạc hồ sơ dẫn đến kết luận thanh tra không đảm bảo khách quan, chính xác. Trường hợp, để xảy ra thất lạc, mất hồ sơ thì Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra được phân công phải chịu trách nhiệm và bị xem xét, xử lý theo quy định.
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, tập trung vào: Việc giám sát hoạt động Đoàn thanh tra phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, có tính khả thi và chất lượng cao nhất, góp phần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các Đoàn thanh tra. Người được giao nhiệm vụ giám sát không được vi phạm những điều cấm trong hoạt động thanh tra và những điều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không được làm; chịu trách nhiệm trước pháp luật về báo cáo kết quả giám sát của mình. Việc bố trí, phân công người thẩm định dự thảo kết luận thanh tra phải có phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với nội dung thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; không được bố trí cán bộ thẩm định thuộc một trong các trường hợp cấm tham gia Đoàn thanh tra, giám sát, thẩm định theo quy định của pháp luật về thanh tra.
Đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra cần nâng cao chất lượng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về báo cáo kết quả theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra; kết quả theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra là một trong những nội dung để đánh giá chất lượng của kết luận thanh tra đã ban hành.
Thứ năm, trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo: Nhiệm vụ được giao kiểm tra, rà soát phải thực hiện đúng quy định pháp luật, nâng cao chất lượng các báo cáo, kiến nghị, đề xuất phương án xử lý, hồ sơ, thủ tục đảm bảo quy định.
Thứ sáu, trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Tham mưu thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, tập trung công tác đánh giá phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kê khai tài sản, kiểm soát tài sản, thu nhập.
Thứ bảy, coi trọng tiến độ và chất lượng Đoàn thanh tra, nhiệm vụ tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ thanh tra, là căn cứ thực hiện công tác tổ chức cán bộ; xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức có vi phạm trong thực thi công vụ thanh tra theo đúng quy định pháp luật và các quy định về kỷ luật của Đảng.
Thứ tám, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, từng bước chuẩn hóa đội ngũ công chức, thanh tra viên; nâng cao chất lượng tổng kết, rút kinh nghiệm một cách thiết thực sau mỗi cuộc thanh tra; ngành Thanh tra phải thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ công tác của Đoàn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.