Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận thanh tra về xăng dầu

Thứ sáu, 05/01/2024 08:10
(ThanhtraVietNam) - Chiều ngày 04/01/2024, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy đã chủ trì buổi công bố Kết luận thanh tra số 1061/KL-TTCP ngày 13/11/2023 về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.

Ngày 27/12/2023, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 4741/VPCP-V.I thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về Kết luận thanh tra số 1061/KL-TTCP. Trong đó, giao Thanh tra Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong Quý I năm 2024.

Theo Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, trong những năm qua, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều cố gắng trong quản lý, điều hành thị trường xăng dầu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định xã hội… Tuy nhiên, trong năm 2021, 2022 một số cơ chế, chính sách liên quan đến kinh doanh xăng dầu đã bộc lộ nhiều bất cập.

Đáng nói, công tác quản lý nhà nước về xăng dầu của một số bộ, ngành có một số hạn chế, tồn tại, vi phạm về việc: Dự trữ xăng dầu quốc gia; cấp giấy phép và giấy xác nhận trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá; quản lý, điều hành giá xăng dầu; dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc tối thiểu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường…

leftcenterrightdel

Toàn cảnh buổi công bố Kết luận thanh tra về xăng dầu của Thanh tra Chính phủ. (Ảnh: Minh Nguyệt) 

Từ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, liên quan, UBND tỉnh Đồng Tháp thực hiện các biện pháp về cơ chế, chính sách và kiểm điểm, xử lý trách nhiệm. Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi công bố Kết luận thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện Kết luận thanh tra. Đồng thời, có ý kiến tập trung vào các nội dung lớn mang tính vĩ mô, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, như: Quỹ Bình ổn xăng dầu; điều hành giá xăng dầu, đặc biệt là đề xuất về cơ chế, chính sách… Đoàn thanh tra và Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra tiếp thu đầy đủ các ý kiến và đôn đốc thực hiện Kết luận thanh tra.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy, Kết luận thanh tra đã nêu những tồn tại, hạn chế, nhất là những nội dung có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh xăng dầu cũng như trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các Tập đoàn: Xăng dầu, Dầu khí. Do đó, ông đề nghị các đơn vị này cho ý kiến về nội dung Thanh tra Chính phủ đã kết luận hoặc có thể có ý kiến bằng văn bản để Đoàn thanh tra tiếp tục tham mưu Thanh tra Chính phủ để có hướng xử lý tiếp theo.

leftcenterrightdel

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy phát biểu tại buổi công bố Kết luận thanh tra. (Ảnh: Minh Nguyệt) 

Tại buổi công bố Kết luận thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương Lê Việt Long cho biết, trước khi Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra, Thanh tra Bộ Công Thương đã tiến hành thanh tra về cấp phép của Bộ Công Thương đối với lĩnh vực xăng dầu.

“Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với Kết luận thanh tra rất thận trọng, khách quan của Thanh tra Chính phủ. Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi xin lĩnh hội và tiếp thu toàn bộ Kết luận thanh tra Thanh tra Chính phủ đã ban hành. Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã nhanh chóng khẩn trương họp, xây dựng kế hoạch, ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác phân công trách nhiệm cho từng bộ phận tiến hành thực hiện nội dung Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ”, ông Lê Việt Long nhấn mạnh.

Chánh Thanh tra Bộ Công Thương chia sẻ, Bộ Công Thương đã tiến hành thanh tra ở cấp bộ, ngành. Khi xem xét quá trình thực hiện của các thương nhân và các quy định của các Nghị định cũng như thực tế của các đơn vị, Bộ thấy rằng rất vướng ở cơ chế chính sách. Dẫn đến công tác điều hành, quản lý của Bộ Công Thương gặp nhiều khó khăn, xảy ra đáng tiếc như Kết luận thanh tra đã nêu.

leftcenterrightdel

Chánh Thanh tra Bộ Công Thương Lê Việt Long (ảnh đứng). (Ảnh: Minh Nguyệt) 

Cũng theo ông Lê Việt Long: “Ban Cán sự Đảng, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã nhận thức được những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước của Bộ. Trong thời gian tới, tôi sẽ trình bày ý kiến của đồng chí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và Đoàn thanh tra, báo cáo Bộ trưởng và Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương triển khai một cách nghiêm túc các nội dung kiến nghị đã nêu trong Kết luận thanh tra”.

Trong Kết luận thanh tra có một số nội dung cần kiến nghị với các bộ, ngành chức năng như Bộ Tài chính, đơn vị, địa phương, trong đó có một số nội dung Bộ Công Thương không thể thực hiện hết được mà cần sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương. Chánh Thanh tra Bộ Công Thương đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp cùng Bộ Công Thương để thực hiện các nội dung Kết luận thanh tra đã nêu, đảm bảo khắc phục được những tồn tại, sửa đổi/kiến nghị sửa đổi cơ chế chính sách để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực xăng dầu.

Ngoài ra, đại diện Bộ Tài chính, Tập đoàn Xăng dầu, Tập đoàn Dầu khí, UBND tỉnh Đồng Tháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã phát biểu, cho ý kiến, hoàn toàn đồng ý, tiếp thu Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Mặt khác, khẳng định sẽ nghiêm túc thực hiện Kết luận thanh tra./.

Minh Nguyệt
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra