Cà Mau:

Thanh tra phòng, chống tham nhũng, kiến nghị kiểm điểm Chủ tịch huyện Ngọc Hiển

Thứ tư, 24/08/2022 07:00
(ThanhtraVietNam) - Theo Thông báo kết luận thanh tra số 21/TB-TT về việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại UBND huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, Thanh tra tỉnh đã chỉ ra nhiều vi phạm, hạn chế, thiếu sót liên quan đến kế hoạch công tác PCTN.
leftcenterrightdel
Qua thanh tra phát hiện nhiều vi phạm, hạn chế, thiếu sót tại UBND huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau - Ảnh: I.T.N 

Thanh tra tỉnh cho biết, qua kết quả thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với chức năng, nhiệm vụ được giao tại UBND huyện năm 2020-2021 cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được của UBND huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau còn tồn tại một số hạn chế cụ thể như: Đối với việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác PCTN theo quy định; Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN.

Chưa thực hiện Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Về Kế hoạch số 30/KH-UBND và Kế hoạch số 18/KH-UBND về PCTN năm 2020-2021 giao Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo và Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội đưa nội dung PCTN vào giảng dạy các cơ sở giáo dục và đào tạo là chưa đúng, vì đối tượng phải đưa nội dung PCTN vào giảng dạy theo Chỉ thị số 10/CT-TTg là từ cấp trung học phổ thông trở lên (Phòng Giáo dục; phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện không có đối tượng này).

Trưởng Phòng Tư pháp là Thường trực, chủ trì tổ chức thực hiện kế hoạch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (HĐPHPBGDPL), còn 02 nhiệm vụ chưa thực hiện được (01) Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chương trình chuyên đề về tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thực hiện pháp luật về PCTN trên địa bàn huyện; (02) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật về PCTN cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, nguyên nhân là do tình hình khó khăn về kinh phí xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền và dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, Trưởng Phòng Tư pháp không báo cáo đề xuất HĐPHPBGDPL điều chỉnh hai nội dung này.

Về vần đề này, Thanh tra tỉnh Cà Mau đã chỉ rõ trách nhiệm trên có liên quan đến Trưởng phòng Tư pháp huyện.

Bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý vượt quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp

Thanh tra tỉnh đã chỉ ra vi phạm về công khai trong hoạt động tổ chức cán bộ tại UBND huyện đã không công khai việc quy hoạch đến cán bộ lãnh đạo (kể cả phòng, ban) của đơn vị và cá nhân cán bộ được quy hoạch theo quy định tại Điều 8 Quyết định số 1244/2018/QĐ-UBND ngày 08/8/2018 của UBND tỉnh về ban hành quy định quy trình quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng.

Đồng thời, thanh tra cũng chỉ ra có 01 trường hợp công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (ông Đinh Việt Kiên, Chánh Thanh tra huyện) vượt quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Vi phạm nêu trên đã được Thanh tra tỉnh nêu rõ trách nhiệm này thuộc về ông Lê Chí Hưởng, Trưởng phòng Nội vụ.

4 đơn vị chi vượt mức quy định 

Cũng theo Kết luận thanh tra, việc thực hiện xây dựng, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ có một số văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành hết hiệu lực, thời gian áp dụng nhưng vẫn được sử dụng làm căn cứ pháp lý áp dụng trong việc xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ; một số đơn vị xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ còn có nội dung chưa phù hợp với quy định, chưa xây dựng định mức cụ thể chi tăng thu nhập cho cán bộ, công chức trong Quy chế chi tiêu nội bộ.

Chi thanh toán vượt định mức quy định tại Nghị quyết số 22/2017/NQ[1]HĐND ngày 08/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau, với số tiền 45.860.000 đồng.

Chi thanh toán không có đầy đủ chứng từ kế toán phản ánh nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo yêu cầu kế toán quy định tại khoản 4 Điều 5 Luật Kế toán 2015 với số tiền 58.227.000 đồng (Văn phòng UBND huyện).

Ngoài ra còn một số chứng từ các đơn vị chi tiền mặt, không thực hiện chuyển khoản. Kết luận về vấn đề này Thanh tra tỉnh Cà Mau cho rằng trách nhiệm thuộc về thủ trưởng và kế toán các phòng có liên quan.

Chưa chú trọng công tác kê khai tài sản

Việc thực hiện kê khai, công khai, báo cáo kết quả kê khai tài sản, thu nhập (TSTN) còn chậm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Một số đơn vị chọn công khai bằng hình thức niêm yết bản kê khai, nhưng không có biên bản kết thúc việc niêm yết; có một số đơn vị công khai còn chậm; nhiều bản khai TSTN của công chức, viên chức còn thiếu; chưa lập sổ theo dõi kê khai...

Trách nhiệm này thuộc về: Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Trưởng phòng Tài chính và Kế hoạch, Giám đốc Ban quản lý dự án do chưa chú trọng, quan tâm chưa cao đến công tác tổ chức và thực hiện kê khai TSTN;

Đồng thời, trách nhiệm của Trưởng phòng Nội vụ trong việc lập danh sách tổng hợp người có nghĩa vụ kê khai trên địa bàn huyện còn chậm.

Về việc giao nộp bản kê khai về Cơ quan kiểm soát TSTN còn chậm trễ, phải nhắc nhở nhiều lần, nhưng chậm thực hiện, dẫn đến Thanh tra tỉnh phải ban hành văn bản đôn đốc, nhắc nhở (năm 2020: 01 văn bản, năm 2021: 02 văn bản). Ngày 17/02/2022 Chủ tịch UBND huyện đã ban hành Công văn số 302/UBND-NC về việc rút kinh nghiệm trong việc bàn giao bản kê khai TSTN đối với Chánh Thanh tra huyện.

Chánh Thanh tra huyện chưa thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp UBND huyện chỉ đạo, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai và báo cáo công tác kê khai tài sản, thu nhập trên địa bàn huyện.

9 bản kê khai chưa đáp ứng được yêu cầu

Qua kiểm tra 09 bản kê khai, kết quả 09 bản kê khai này chưa đáp ứng yêu cầu về nội dung, hình thức của bản kê khai. Đoàn thanh tra đề nghị 03 cá nhân giải trình về TSTN.

Cụ thể, một chuyên viên Phòng Tài nguyên - Môi trường, huyện Ngọc Hiển không kê khai số tiền 300 triệu đồng tiền tích lũy hàng năm dùng để xây dựng nhà. Việc ông không kê khai số tiền tích lũy hàng năm là thực hiện không đúng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tham nhũng (hợp nhất năm 2020).

Trường hợp một chuyên viên Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Ngọc Hiển có hoạt động bán nhà đất với số tiền 2,1 tỉ đồng không cung cấp được giấy tờ chứng minh theo yêu cầu của Đoàn thanh tra... là thực hiện không đúng theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ...

Như vậy, theo Đoàn thanh tra trách nhiệm thuộc về 09 cá nhân được chọn kiểm tra bản kê khai TSTN chưa đúng quy định.

Không xây dựng kế hoạch và thành lập tổ tự kiểm tra tài chính, kế toán hàng năm

Trong công tác kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ 06 đơn vị được kiểm tra đều không có xây dựng kế hoạch và thành lập tổ tự kiểm tra tài chính, kế toán hàng năm là chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 Điều 24 “Quy chế tự kiểm tra tự kiểm tra tài chính, kế toán tại các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước” ban hành theo Quyết định 67/2004/QĐ-BTC của Bộ Tài chính.

Trách nhiệm thuộc về thủ trưởng 06 đơn vị, phòng ban được kiểm tra: Tài chính - Kế hoạch, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Chánh Thanh tra, Chánh Văn phòng UBND huyện.

Như vậy, Đoàn thanh tra cũng chỉ ra Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm chung đối với những tồn tại, hạn chế theo như kết luận thanh tra nêu trên.

Kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với Chủ tịch huyện Ngọc Hiển

Thanh tra tỉnh Cà Mau kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển vì để xảy ra những hạn chế, thiếu sót trên.

Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những thiếu sót, vi phạm theo Kết luận thanh tra.

Chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế theo Kết luận thanh tra. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa quá trình triển khai và tổ chức thực hiện kế hoạch PCTN hàng năm, nhất là công tác tự kiểm tra và kiểm tra tài chính, kế toán đối với các đơn vị trực thuộc có sử dụng ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, Chánh thanh tra tỉnh Cà Mau ban hành quyết định xác minh TSTN đối với ông Huỳnh Việt Tiền, vì có biến động tăng về TSTN từ 300 triệu đồng trở lên so với TSTN đã kê khai lần liền kề trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc./.

Việt Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra