Thanh tra trách nhiệm công vụ của công chức để nhân rộng cách làm hay, sáng tạo

Thứ năm, 15/02/2024 15:59
(ThanhtraVietNam) - Một trong các mục đích của hoạt động thanh tra được quy định trong Luật Thanh tra là nhằm "phát huy nhân tố tích cực". Kế hoạch thanh tra chuyên đề trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức trên phạm vi cả nước do Thanh tra Chính phủ ban hành để triển khai trên toàn quốc cũng đã yêu cầu, không chỉ đánh giá kết quả, phát hiện thiếu sót, vi phạm khi thực hiện trách nhiệm công vụ mà còn hướng tới mục đích ghi nhận cách làm hay, sáng tạo để có giải pháp nhân rộng trong cả nước.

Cần nâng cao trách nhiệm khi thực thi công vụ

Ngày 20/10/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.

Chỉ thị nêu rõ, thời gian gần đây có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy công việc; sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định xử lý các công việc thuộc thẩm quyền dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây lãng phí thời gian, nguồn lực, cơ hội phát triển, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gây cản trở công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để khắc phục tình trạng trên, nhằm nâng cao trách nhiệm khi thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước; cần thiết phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, hằng năm, khi xây dựng kế hoạch thanh tra phải có nội dung thanh tra hoạt động công vụ. Thủ trưởng các cơ quan thanh tra tăng cường quản lý, chỉ đạo triển khai các cuộc thanh tra hoạt động công vụ theo đúng quy định pháp luật về thanh tra.

Đồng thời, tăng cường công tác xử lý sau thanh tra, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; kịp thời xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ.

leftcenterrightdel
Một buổi công bố quyết định thanh tra  trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức do Thanh tra Chính phủ tổ chức. Ảnh: Thái Minh

Mục đích thanh tra nhằm “phát huy nhân tố tích cực”!

Luật Thanh tra năm 2022 quy định, mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8/12/2023, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thanh tra chuyên đề trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trên phạm vi cả nước.

Theo đó, mục đích triển khai nhiệm vụ thanh tra chuyên đề được nêu tại Kế hoạch như sau:

Một là, đánh giá kết quả thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức trong việc thực hiện trách nhiệm công vụ trên phạm vi cả nước, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có nhiều bức xúc trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công (DVC) cho người dân và doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương;

Hai là, ghi nhận cách làm hay, sáng tạo để có giải pháp nhân rộng trong cả nước;

Ba là, kịp thời phát hiện những thiếu sót hoặc vi phạm trong quá trình thực hiện trách nhiệm công vụ của CBCCVC trên phạm vi cả nước để kiến nghị biện pháp khắc phục;

Bốn là, tổng hợp kết quả thanh tra trong phạm vi cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực trạng việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, xác định tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân và kiến nghị biện pháp xử lý sai phạm (nếu có), sửa đổi cơ chế chính sách, tháo gỡ trong tổ chức, thực hiện;

Năm là, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương hành chính của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện trách nhiệm công vụ.

Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu việc thanh tra phải đảm bảo chính xác, khách quan, không gây cản trở đến hoạt động của đơn vị được thanh tra; tuân thủ đúng quy định của pháp luật; có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao và có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thanh tra.

5 nội dung thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước

Trao đổi với Tạp chí Thanh tra, Thanh tra viên cao cấp Vũ Hồng Khánh - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tổng hợp cho biết, nội dung thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ của đội ngũ CBCCVC trong giải quyết TTHC, cung cấp DVC cho người dân và doanh nghiệp bao gồm: Trách nhiệm quản lý nhà nước về thực hiện TTHC, cung cấp DVC cho cá nhân, tổ chức và việc giải quyết TTHC.

Trong đó, việc thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về việc thực hiện TTHC, cung cấp DVC cho người dân, doanh nghiệp cần phải đảm bảo đủ 5 nội dung lớn sau:

Thứ nhất, việc lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành, triển khai thực hiện các quy định của Nhà nước, của đơn vị về trách nhiệm công vụ của CBCCVC trong giải quyết TTHC, cung cấp DVC cho người dân, doanh nghiệp trong thời kỳ thanh tra.

Thứ hai, việc kiểm soát, kiến nghị hoặc ban bành theo thẩm quyền để loại bỏ hoặc chỉnh sửa TTHC không phù hợp, phức tạp, phiền hà; bổ sung TTHC cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế.

Thứ ba, việc tổ chức vận hành bộ phận một cửa và việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định.

Thứ tư, việc công bố, công khai TTHC theo quy định; việc thực hiện công khai, minh bạch quá trình giải quyết; việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC.

Thứ năm, việc kiểm tra, đôn đốc, xử lý đối với CBCCVC trong việc giải quyết TTHC và cung cấp DVC trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Nội dung thanh tra nên tập trung vào việc ban hành kế hoạch kiểm tra hàng năm; kết quả kiểm tra hàng năm và kết quả xử lý kỷ luật đối với CBCCVC trong việc giải quyết TTHC và cung cấp DVC trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Ngô Tân
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra