Vi phạm trong đào tạo đại học chính quy và thạc sĩ tại Trường Đại học Trưng Vương

Thứ ba, 23/04/2024 15:36
(ThanhtraVietNam) - Để xảy ra các vi phạm, sai sót trong tổ chức quản lý đào tạo trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng phụ trách và các Khoa của Trường Đại học Trưng Vương.

Vi phạm ở 3 loại hình đào tạo

Kết luận thanh tra số 03/KL-TTr ngày 25/01/2024 của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra nhiều thiếu sót, vi phạm trong công tác tổ chức quản lý đào tạo của Trường Đại học Trưng Vương.

Theo đó, đối với hệ đại học chính quy, các chương trình đào tạo (CTĐT) chưa quy định, hướng dẫn thực hiện CTĐT, bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 17 Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT. Các CTĐT chưa được tham khảo, đối sánh với CTĐT cùng trình độ, cùng ngành đã được kiểm định của các cơ sở đào tạo có uy tín ở nước ngoài theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 17 Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT; chưa có ma trận các môn học hoặc học phần với chuẩn đầu ra, bảo đảm chuẩn đầu ra của CTĐT được phân bổ và truyền tải đầy đủ thành chuẩn đầu ra của các môn học hoặc học phần theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 17 Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT.

Mặt khác, CTĐT ngành Điều dưỡng chưa bảo đảm theo quy định tại Nghị định số 111/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe (Nghị định số 111/2017/NĐ-CP). Cụ thể: Chưa có minh chứng về CTĐT thực hành đối với ngành Điều dưỡng năm 2020; chưa có Hợp đồng chi tiết về đào tạo thực hành các năm 2020, 2021 theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 111/2017/NĐ-CP; chưa xây dựng Kế hoạch đào tạo thực hành năm học 2020 - 2021 theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 111/2017/NĐ-CP.

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, trong khâu lựa chọn, biên soạn giáo trình Trường chưa thực hiện biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục đại học theo quy định tại Thông tư số 35/2021/TT-BGDĐT.

leftcenterrightdel
 Đại học Trưng vương. Ảnh minh họa/internet

Việc quản lý hoạt động đào tạo cũng có thiếu sót, vi phạm: Kiểm tra xác suất hồ sơ đào tạo thấy Lớp Điều dưỡng 12208 ngành Điều dưỡng chỉnh quy năm 2022, trong 01 năm học có giảng viên thỉnh giảng đảm nhiệm giảng dạy 31 TC (91%), giảng viên cơ hữu giảng dạy 3 TC (9%) chưa bảo đảm theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 2 Thông tư 22/2017-BGDĐT.

Trường thực hiện đào tạo tại địa chỉ 102 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội là vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/3/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về việc sửa dụng giáo trình, tài liệu giảng dạy của Trường, trong thời kỳ thanh tra, Trường chưa thực hiện phê duyệt, lựa chọn giáo trình/sách theo đúng quy định tại khoản 6 Điều 7 Thông tư số 35/2021/TT-BGDĐT ngày 06/12/2021. Trường sử dụng giáo trình/sách của các cơ sở giáo dục khác đã xuất bản và được Trường đưa vào trong đề cương chi tiết môn học cùng chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, ở công tác tổ chức quản lý đào tạo đối với Đại học (vừa học vừa làm) VHVL; đại học liên thông VHVL cũng có nhiều sai sót. Kết quả kiểm tra xác suất hồ sơ đào tạo lớp Điều dưỡng VHVL CIÐD220C, DD12214 cho thấy, một số lớp giảng viên thỉnh giảng đảm nhiệm giảng dạy vượt quá quy định về tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng theo quy định (Lớp Điều dưỡng CIĐD220C hệ VLVH năm 2020 có giảng viên thỉnh giảng đảm nhiệm giảng dạy 99 TC (79%), giảng viên cơ hữu chỉ giảng dạy 27 TC (21%).

Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Trường và các Khoa

Lớp Điều dưỡng ĐD12214 (23 sinh viên) hệ VLVH năm 2022 có giảng viên thỉnh giảng đảm nhiệm giảng dạy 41 TC (93%), giảng viên cơ hữu chỉ giảng dạy 7% (3TC) chưa đảm bảo theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 2 Thông tư 22/2017-BGDĐT ngày 06/9/2017.

Sổ lên lớp của Lớp Điều dưỡng ĐD12214 (23 sinh viên) hệ VLVH năm 2022 không có chữ ký của giảng viên theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 8 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT- BGDĐT ngày 18/3/2021 và khoản 4 Điều 5, điểm đ khoản 3 Điều 8 Quy định về việc quản lý giảng viên của Trường Đại học Trưng Vương ban hành kèm theo Quyết định số 572/QĐ-ĐHTV ngày 14/12/2021.

Đối với đào tạo thạc sĩ, kết quả kiểm tra xác suất của Đoàn thanh tra cho thấy, hồ sơ quản lý đào tạo thạc sĩ của Lớp CH22012, Lớp CH22103 và Lớp CH22102: Thời khóa biểu không ghi rõ địa điểm học tập theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30/8/2021. Nội dung Thời khóa biểu chưa đúng quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30/8/2021; nhật ký giảng dạy một số học phần và bảng điểm chưa đủ chữ ký. Danh sách giảng viên giảng dạy các học kỳ lớp QLKT CH22102, 50/60 tín chỉ (10 tín chỉ luận văn tốt nghiệp) do các giáo viên thỉnh giảng đảm nhiệm; Lớp CH22103 Luật Kinh tế 37/60 tín chỉ (9 tín chỉ luận văn tốt nghiệp) do các giáo viên thỉnh giảng đảm nhiệm. Như vậy, số lượng giảng viên cơ hữu giảng dạy ngành đăng ký đào tạo không đảm bảo theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 2 Thông tư số 09/2017/TT-BGDĐT nay là điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT.

Để xảy ra các vi phạm, sai sót này, Kết luận Thanh tra của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng phụ trách và các Khoa của Trường.

Thanh tra Bộ kiến nghị xử lý về hành chính, Trường Đại học Trưng Vương tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm (nếu có) của cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm trong công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo nêu trên. Bảo cáo kết quả thực hiện Kết luận thanh tra về Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đồng thời, Phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm của Trường Đại học Trưng Vương, tham mưu Chánh Thanh tra Bộ ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật (kể cả các hành vi vi phạm đã hết thời hiệu xử phạt).

Tra Kết

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra