Biến tài nguyên thành nguồn lực phát triển hiệu quả, bền vững

Thứ hai, 10/06/2024 08:53
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, đông đảo cử tri và Nhân dân kỳ vọng các giải pháp quản lý, bảo vệ, khai thác sẽ biến tài nguyên biển, tài nguyên khoáng sản quốc gia thành nguồn lực phát triển đất nước hiệu quả, bền vững trong giai đoạn trước mắt cũng như trong chiến lược dài hạn; thông tin rộng rãi chính sách, đối sách, giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước nói chung và an ninh nguồn nước cho vùng đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của quốc gia nói riêng…

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, cử tri và Nhân dân rất đồng tình với Quốc hội trong việc lựa chọn nội dung chất vấn, tập trung vào các nhóm vấn đề thuộc 4 lĩnh vực: tài nguyên và môi trường; công thương; kiểm toán; văn hóa, thể thao và du lịch đang có tác đông ảnh hưởng đến đời sống xã hôi và tăng trưởng kinh tế của đất nước giai đoạn hiên nay. Cử tri và Nhân dân đánh giá cao tính công khai, minh bạch, dân chủ, thẳng thắn trong hoạt động chất vấn, tranh luận, thực thi quyền giám sát tối cao của Quốc hôi; chuẩn bị kỹ lưỡng của đại biểu chất vấn và người chịu sự chất vấn, giám sát; điều hành khoa học, bao quát, không để sót ý kiến chất vấn và có kết luận rõ trách nhiêm sau từng nội dung chất vấn của chủ tọa kỳ họp.

Xử lý nghiêm các hành vi trốn lậu thuế, hàng giả, hàng nhái

Trong nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cử tri kỳ vọng các giải pháp quản lý, bảo vệ, khai thác sẽ biến tài nguyên biển, tài nguyên khoáng sản quốc gia thành nguồn lực phát triển đất nước hiệu quả, bền vững trong giai đoạn trước mắt cũng như trong chiến lược dài hạn. Về an ninh nguồn nước, dư luận cử tri, Nhân dân - nhất là Nhân dân vùng chịu ảnh hưởng hạn hán, ngập mặn hết sức quan tâm. Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, có khoảng 60% nguồn nước bị phụ thuộc ở nước ngoài, 40% là nguồn nước nội sinh, vì vậy, người dân mong được thông tin rộng rãi chính sách, đối sách, giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước nói chung và an ninh nguồn nước cho vùng đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của quốc gia nói riêng trước biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn cũng như có thể có tác động vật lý của quốc gia trong khu vực, nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước, (chẳng hạn như dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia)... để người dân yên lòng và thực hiện đúng chính sách đối ngoại Nhân dân, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, kích động.

leftcenterrightdel
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) phát biểu tại hội trường. Ảnh - Hồ Long 

 

Nhiều cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm và rất đồng tình với ý kiến của các ĐBQH về việc tăng cường công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trước xu thế phát triển “nóng” của thương mại điện tử. Bởi lẽ, trong các tầng lớp Nhân dân hiện nay không phải ai cũng có thể được hưởng lợi hình thức thương mại này từ thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 mang lại. Người dân kỳ vọng Quốc hội, Chính phủ, cụ thể là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông và cơ quan liên quan nỗ lực, quyết liệt thực hiện hiệu lực, hiêụ quả chức năng quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy lùi và hạn chế tối đa các tiêu cực, xử lý nghiêm các hành vi trốn lậu thuế, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, cạnh tranh bất bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh giữa hình thức thương mại điện tử với các hình thức trực tiếp, truyền thống đang chiếm tỷ trọng cao, có đóng góp GDP lớn trong nền kinh tế quốc dân.

Quan tâm đầu tư địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa

Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Đây là lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến chất lượng đời sống Nhân dân, hình ảnh quốc gia và giá trị văn hóa dân tộc, được cử tri và Nhân dân ta ở trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Tuy nội dung chất vấn được giới hạn trong 3 vấn đề chủ yếu thuộc chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ; giải pháp kích cầu du lịch; chính sách phát triển văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi... Nhưng không vì thế mà có ít vấn đề chất vấn, tranh luận được đặt ra. Con số 45 lượt ý kiến phát biểu, trong đó có 37 ý kiến chất vấn, 8 ý kiến tranh luận, còn 34 đại biểu đăng ký chất vấn nhưng chưa được chất vấn đã nói lên điều đó.

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự am hiểu sâu sắc, sát thực tiễn, chất vấn đúng và trúng của đại biểu về thực trạng hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch hiên nay; hài lòng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng. Dư luận rất quan tâm đến phát triển văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và cho rằng: đây là khu vực đầu tư chưa thật sự hấp dẫn, là ngành kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn dài hơn so với các ngành khác, nhưng là lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiên mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, hình thành môi trường văn hóa, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, tăng cường thể lực, nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và lành mạnh hóa lối sống mọi lứa tuổi, nhất là thanh thiếu niên.

Vì vậy, cử tri mong Nhà nước trực tiếp đầu tư và sớm có chính sách cụ thể ưu đãi, thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển đồng bộ các thiết chế văn hóa (gồm cả cơ sở vật chất thiết bị, nhân lực chuyên môn và nội dung hoạt động phù hợp) vào địa bàn miền núi, các vùng sâu, vùng xa để giảm mức chênh lệch hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, giữa nông thôn với thành thị. Mặt khác, quan tâm giám sát, kiểm soát, chuẩn hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng các dịch vụ tiêu dùng - kể cả dịch vụ vận chuyển đường không, đường bộ, đường thủy, đường sắt, phương tiện thô sơ - làm cho du khách trong nước và quốc tế cảm nhận được sự thân thiện, mến khách, an toàn và trên hết là giá trị văn hóa Việt Nam.

Kỳ vọng thành công của phiên chất vấn, trả lời chất vấn sớm đi vào thực tiễn, đáp ứng niềm tin và sự mong đợi của cử tri, Nhân dân.

 
 
Theo Daibieunhandan.vn

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra