Bình Thuận: Nhiều bất cập trong triển khai các dự án nông - lâm nghiệp

Thứ hai, 06/09/2010 15:05
(Thanhtravietnam.vn) – Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có chủ trương chấp thuận đầu tư, giao đất, cho thuê đất đối với các dự án nông – lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là một chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và sử dụng đất. Tuy nhiên sau một thời gian thực hiện đến nay đã phát sinh không ít bất cập. 

Tổng số dự án nông lâm nghiệp được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận đầu tư tính đến ngày 30 tháng 12 năm 2009 là 159 dự án với diện tích là 67.969ha. Phần lớn các dự án đã và đang triển khai đều tập trung vào các lĩnh vực như: trồng rừng, trồng cây lâu năm kết hợp du lịch sinh thái, trồng rừng phòng hộ, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp và tổ chức chăn nuôi - phát triển vùng nguyên liệu, trồng khoai mì, cao su, cây bông vải…

 

Trong đó, số dự án có quyết định giao đất, cho thuê đất là 123 dự án với tổng diện tích 39.680ha chiếm tỷ lệ 58,4% so với tổng diện tích được chấp thuận, nhưng chỉ có 60 dự án trong số này đã thực hiện nộp tiền thuê đất, sử dụng đất là 39,06 tỷ đồng còn lại hầu hết là các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư nhưng chưa thực hiện việc ký kết hợp đồng thuê đất và các nghĩa vụ tài chính.

 

Thực tế triển khai thực hiện các dự án trên tại Bình Thuận cũng cho thấy còn một số vấn đề tồn tại như: công tác khảo sát lập dự án, thẩm định về quy mô diện tích, năng lực tài chính của chủ dự án, tình hình thực tế về quản lý sử dụng đất đai để chấp thuận đầu tư đối với một số dự án của các ngành, địa phương có liên quan chưa chính xác; việc quản lý đất đai của các địa phương chưa chặt chẽ nên việc tham mưu cho UBND tỉnh trong việc chấp thuận cho một số dự án đầu tư chưa phù hợp với khả năng tài chính của chủ dự án dẫn đến giao đất thuê đất đạt tỷ lệ thấp, xảy ra tranh chấp với dân; các cơ quan chức năng chưa thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các dự án triển khai thực hiện, chưa nắm bắt được nguyên nhân của những khó khăn vướng mắc trong đền bù, giải tỏa, tranh chấp đất đai của từng dự án, chưa phối hợp với địa phương cũng như các ngành chức năng và các chủ dự án kịp thời giải quyết…

 

Thời gian tới, để việc triển khai thực hiện các dự án thực sự có hiệu quả, các ngành chức năng trong tỉnh cần thực hiện một số biện pháp như: tiến hành khảo sát, thẩm định về quy mô, về khả năng tài chính của chủ dự án phải chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tế; nên ưu tiên giao dự án cho các tổ chức cá nhân tại địa phương nếu họ thực sự đủ năng lực; thường xuyên kiểm tra, theo dõi đôn đốc tiến độ triển khai các dự án, tình hình quản lý sử dụng đất dự án, có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan trong tỉnh; nếu các dự án chậm triển khai hay không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ bắt buộc thì phải kiến nghị xử lý kịp thời./.

 

Trung Thành

 

 

 

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra