Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải đáp các vấn đề nóng về sắp xếp đơn vị hành chính, quy hoạch đô thị và đảm bảo trật tự đô thị

Thứ tư, 21/08/2024 17:45
(ThanhtraVietNam) - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã đưa ra các giải pháp giải quyết tình trạng dôi dư cán bộ, dôi dư trụ sở, đồng thời cập nhật tiến độ sáp nhập đơn vị hành chính, nhằm cải thiện quản lý đô thị và chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp.

Chiều ngày 21/8, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36 với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. (Ảnh: quochoi.vn)

Những khó khăn sau sắp xếp đơn vị hành chính

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, đặt câu hỏi về những thách thức và giải pháp tháo gỡ khó khăn sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Theo báo cáo của Chính phủ, sau 4 năm kể từ khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp, đổi mới các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có hiệu lực, vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng. Cụ thể, 58 cán bộ, công chức cấp huyện và 1.405 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư vẫn chưa được sắp xếp hoặc giải quyết chế độ. Ngoài ra, một số đơn vị hành chính đô thị cấp huyện và xã chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, gây khó khăn cho việc phát triển đô thị.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đặt câu hỏi chất vấn (ảnh: quochoi.vn)

Trả lời chất vấn tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong giai đoạn 2019-2021, vấn đề sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư tại các địa phương đã được giải quyết khá cơ bản.

Đến nay, số cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện là 58 người và ở cấp xã là 1.405 người, với kế hoạch giải quyết xong vào năm 2025. Bộ trưởng cũng đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương như Quảng Ninh, Thanh Hóa trong việc giải quyết vấn đề này.

Để tiếp tục giải quyết và chuẩn bị cho giai đoạn 2023- 2030, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định quan trọng để giải quyết vấn đề này, trên tinh thần Nghị quyết 35, như Nghị định số 29 về chính sách tinh giản biên chế.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong muốn, trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục quan tâm, tập trung, trách nhiệm để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư trên cơ sở những chính sách hiện có, cố gắng đến hết 2025 kết thúc việc này.

Chậm tiến độ sáp nhập đơn vị hành chính

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, đã đặt câu hỏi về tiến độ sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, đặc biệt khi thời hạn hoàn thành trước tháng 10/2023 đang đến gần. Để sớm ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới, Đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có chậm tiến độ không, trách nhiệm của Bộ trưởng ra sao, và giải pháp đảm bảo tiến độ trong thời gian tới là gì?

leftcenterrightdel
 Đại biểu Hoàng Quốc Khánh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu(ảnh: quochoi.vn)

Liên quan đến vấn đề về điều chỉnh quy hoạch đô thị và phân loại đô thị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, chỉ có 5 trong số 6 đơn vị hành chính đô thị cấp huyện được hình thành sau khi sắp xếp đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị. Tương tự, 43 trong số 152 đơn vị hành chính đô thị cấp xã và 58 trong số 104 đơn vị hành chính thị trấn cũng chưa được phê duyệt quy hoạch. Nguyên nhân chính là do việc sắp xếp đơn vị hành chính diễn ra trước khi kịp thực hiện điều chỉnh quy hoạch.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần nỗ lực hơn trong việc phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thành các quy hoạch còn tồn đọng, đồng thời nhấn mạnh rằng Bộ Nội vụ đang tích cực hỗ trợ các địa phương trong quá trình này.

Vấn đề xây dựng quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp

Đại biểu Đào Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ, đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp, đặc biệt là những nội dung chưa được đề cập trong Báo cáo số 305 của Chính phủ ngày 13/6/2024. Ông yêu cầu Bộ trưởng cung cấp thông tin cụ thể về tiến độ và các giải pháp đang được triển khai để đảm bảo việc xây dựng quy hoạch tổng thể này diễn ra đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao nhất.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Đào Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ (ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong giai đoạn 2019-2021, khi thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.056 đơn vị hành chính cấp xã để giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 651 đơn vị hành chính cấp xã thì có dôi dư 864 trụ sở. Đến thời điểm hiện nay mới giải quyết được 349 trụ sở, tương đương 40,39%. Có thể nói, tỉ lệ giải quyết tài sản dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính còn rất lớn.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận rằng việc giải quyết các trụ sở dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc định giá đất và tài sản. Tuy nhiên, bà cho biết Bộ Tài chính đã hoàn thiện việc sửa đổi Nghị định số 67, giúp tháo gỡ những vấn đề cơ bản nhất cho các địa phương trong việc thực hiện sắp xếp tài sản dôi dư. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ sở, điều kiện, nhất là cơ sở pháp lý để thực hiện tốt việc sắp xếp tài sản dôi dư.

Bộ trưởng cũng khẳng định rằng Bộ Nội vụ đang tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định số 139 năm 2024 để khẩn trương triển khai các nhiệm vụ liên quan đến quy hoạch đơn vị hành chính các cấp và đã phân công rất cụ thể đối với từng bộ, ngành, từng địa phương.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương để làm căn cứ pháp lý cơ bản để thực hiện ổn định việc hoàn thiện đơn vị hành chính các cấp trong giai đoạn tới.

Đảm bảo trật tự đô thị: Mô hình Đội trật tự đô thị cấp huyện

Một vấn đề khác được đưa ra tại phiên chất vấn là công tác đảm bảo trật tự đô thị. Đại biểu Hồ Thị Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, bày tỏ quan ngại về việc hiện nay chỉ có Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được phép tổ chức thí điểm mô hình Đội trật tự đô thị cấp huyện, dù mô hình này đã cho thấy hiệu quả. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết quan điểm của mình về việc mở rộng mô hình này ra các địa phương khác và giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác trật tự đô thị trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
Đại biểu Hồ Thị Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị (ảnh: quochoi.vn)

Về chế độ của lực lượng quản lý đô thị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết 56 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các Nghị định 107 và 108, quy định về cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và huyện. Đồng thời, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 03, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của phòng quản lý đô thị hoặc phòng Kinh tế hạ tầng, bao gồm quản lý đô thị. Bộ trưởng đề nghị các địa phương thực hiện đúng theo Nghị quyết của Đảng.

Ngoài ra, Chính phủ đã giao cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thí điểm đội trật tự đô thị. Bộ Nội vụ đang phối hợp với hai địa phương này để tổng kết, đánh giá, và đề xuất các giải pháp cho cấp có thẩm quyền quyết định.

Dương Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra