Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: QH
Bịt lại lỗ hổng trong đấu giá đất
Chiều 16.3, tham gia giải trình, làm rõ những vấn đề liên quan đến thuế chuyển nhượng dự án bất động sản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ tiếp tục thanh tra những hồ sơ còn nghi vấn về việc chuyển nhượng đất.
Thứ nhất, liên quan đến giải pháp để thu thuế chuyển nhượng bất động sản, về vấn đề này, Bộ đã chủ động chỉ đạo cơ quan thuế cũng như phối hợp với chính quyền địa phương và các bộ, ngành để thu thuế bất động sản đúng với giá chuyển nhượng.
Thời gian đầu tháng 1.2022, qua kiểm tra 85 nghìn bộ hồ sơ và cho kê khai lại đã tăng 222 tỉ đồng tiền thuế. Vì vậy, thời gian tới sẽ tập trung thanh tra các hồ sơ thuế còn nghi vấn về việc chuyển nhượng không đúng với giá kê khai theo luật thuế để xử lý theo quy định, kể cả các dự án bất động sản.
Thứ hai là đấu giá đất, phải siết lại để bảo đảm đấu giá một cách chặt chẽ hơn. Chẳng hạn như phải xác định được năng lực của nhà đầu tư mới cho phép thực hiện dự án, và thực tế nhà đầu tư tốt mới có tiền nộp tiền sử dụng đất. Thứ nữa, tiền đặt cọc phải nâng lên, quy định hiện tại đang thấp, tiền đặt cọc đó phải vào tài khoản để hội đồng đấu giá quản lý, để khi bỏ đấu giá thì mất tiền đặt cọc.
Thứ ba là cam kết về triển khai dự án, tránh trường hợp đấu giá xong để đấy hàng năm trời không sử dụng. Động tác đó làm lãng phí xã hội bởi vì ở đây chúng ta phải cân đối được giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài. Mục tiêu lâu dài là khi đấu giá xong, công trình được hoàn thành, như vậy sẽ thu hút được lao động, tăng được GDP và đóng nộp ngân sách đầy đủ, tạo được việc làm. Còn mục đích trước mắt là thu được tiền.
Thứ tư là khi nhà nước thu hồi phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích an ninh quốc gia, chỗ nào thỏa thuận là phải theo thỏa thuận, còn nhà nước thu hồi khi đủ điều kiện thì đền bù theo giá của nhà nước.
Thứ năm là giá khởi điểm, giá khởi điểm của đấu giá đất xác định theo đúng Nghị định 44 và Thông tư 36 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, Nghị định 44 và Thông tư 36 phải sửa, bởi vì giá đất xác định đã không còn chính xác và nhất quán nữa. Nếu không sửa hai văn bản này thì cán bộ vẫn cứ vi phạm, nếu không sửa thì đoàn kiểm tra này, đoàn thanh tra kia vẫn cho ra các kết luận khác nhau.
Một vấn đề nữa là giao đất cho doanh nghiệp theo Nghị định 45 xong mới thu tiền, nhà đầu tư bán lẻ thu tiền của dân nhưng không đưa nộp tiền cho ngân sách mà đưa tiền đó đi đầu tư. Nếu rủi ro, doanh nghiệp thua lỗ thì rõ ràng chúng ta không giải quyết được quyền lợi cho hàng trăm hàng nghìn, thậm chí hàng vạn hộ dân. Đây chính là lỗ hổng cần phải được xác định một cách chính xác để "bịt" lại.
Đồng bộ hóa các quy định về đấu giá
Tham gia giải trình, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, so sánh quy định Việt Nam với các nước, có một số khác biệt. Chỉ Việt Nam và Trung Quốc có luật về đấu giá tài sản, còn các nước khác theo luật dân sự chứ không có quy định riêng. Tài sản cả nước đấu giá chủ yếu là tư nhân. Còn ở Việt Nam tài sản tư nhân đấu giá ít. Giá khởi điểm do các bên thỏa thuận.
Về tiền đặt trước khi tham gia đấu giá, sau chuyển thành tiền đặt cọc, trung bình các nước 5-25%. Việc chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá thành cũng không nước nào có quy định cụ thể, bởi nguyên tắc đấu giá là dân sự và thu được càng nhiều tiền càng tốt.
Đấu giá tại Việt Nam hiện quy định bởi nhiều luật, liên quan đến nhiều cơ quan. Luật Đấu giá quy định trình tự, thủ tục. Nhưng liên quan đến tài sản nào lại liên quan luật chuyên ngành đó. Về chế tài áp dụng nếu vi phạm về đấu giá có các hình thức như xử lý dân sự, hành chính, hình sự. Những vụ việc vừa xảy ra có thể áp dụng quy định về tình trạng nâng giá có dụng ý và tội đầu cơ. Cần đồng bộ hóa các quy định về đấu giá.
Theo Laodong.vn