    |
 |
Trụ sở Thanh tra Chính phủ. (ảnh: T.A) |
Cụ thể, theo Dự thảo Luật Thanh tra, cơ quan thanh tra gồm:
1. Thanh tra Chính phủ.
2. Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra tỉnh).
3. Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Cơ yếu.
4. Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (sau đây gọi là Thanh tra theo điều ước quốc tế), gồm:
a) Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân;
b) Thanh tra Cục Hàng hải và Đường thuỷ Việt Nam;
c) Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam;
d) Thanh tra Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
Dự thảo Luật nêu rõ, các cuộc thanh tra có quyết định thanh tra được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 và Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra chưa phù hợp với quy định của Luật này thì điều chỉnh để thống nhất với quy định của Luật này trong thời hạn 02 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành; trong thời gian chưa được sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo quy định của Luật này.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Nghị quyết số 190/2025/QH15 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước (có hiệu lực thi hành từ ngày 19/2/2025). Trong đó, tại Điều 7, Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định về thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cụ thể, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra được quy định:
- Cơ quan thanh tra sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra của cơ quan đã chuyển giao chức năng, nhiệm vụ thanh tra.
- Cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước không còn tổ chức thanh tra thì thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra trong phạm vi quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước không thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành mà thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
- Đối với bộ, cơ quan ngang bộ sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước không còn tổ chức thanh tra, trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập đoàn thanh tra hoặc đề nghị Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra.