Cán bộ "né" tiếp dân

Thứ hai, 18/10/2021 14:51
Trong kỳ giám sát 18 tháng, nhiều Chủ tịch tỉnh chỉ tiếp dân 1-2 ngày. Đáng chú ý, trong suốt 18 tháng, có 5 người chỉ tiếp dân 1 ngày và 4 vị Chủ tịch không tiếp dân ngày nào trong một năm rưỡi đó.

Hiến pháp đã ghi nhận nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Thế nhưng, dự thảo Báo cáo giám sát của Mặt trận Tổ quốc cho thấy, trong 18 tháng, có tới 4 vị đứng đầu tỉnh không tiếp dân ngày nào.

Khoản 5, Điều 12 Luật Tiếp công dân đã có quy định, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp công dân định kỳ ít nhất một ngày trong một tháng; tiếp công dân đột xuất trong các vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia... Ấy vậy mà, theo dự thảo Báo cáo giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch UBND các cấp của Mặt trận Tổ quốc cho thấy, số lượng ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh tính bình quân trên địa bàn toàn quốc không đạt 50% theo quy định của Luật Tiếp công dân.

Trong kỳ giám sát 18 tháng, nhiều Chủ tịch tỉnh chỉ tiếp dân 1-2 ngày. Đáng chú ý, trong suốt 18 tháng, có 5 người chỉ tiếp dân 1 ngày và 4 vị Chủ tịch không tiếp dân ngày nào trong một năm rưỡi đó.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. 

Đây không phải là lần đầu kết quả giám sát cho thấy người đứng đầu địa phương không thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định của luật. Mặc dù số lượng ngày tiếp công dân có tăng, số người đứng đầu tỉnh không làm công tác tiếp công dân có giảm nhưng con số ghi nhận vẫn chưa đáp ứng mong mỏi của dư luận xã hội và chưa đúng với quy định của luật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân…" Cấp cơ sở như "túi việc" và là nơi gần dân nhất, sát dân nhất, gắn bó với dân nhất. Vậy nên "tiếp công dân" là việc phải làm của người đứng đầu chính quyền từ cấp xã, cấp huyện cho tới cấp tỉnh, cấp Trung ương. Gánh vác việc dân thì không thể "né" việc tiếp dân, không thể cứ mãi ủy quyền người khác bởi việc quan trọng nhất, thường xuyên nhất, phải ưu tiên nhất của người đứng đầu UBND là "việc dân".

Đành rằng hai năm qua là thời điểm nhiều địa phương căng thẳng đối phó với dịch bệnh, phải thực hiện giãn cách xã hội thế nhưng không thể viện dẫn lý do "bận việc" để không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình là "tiếp công dân" vốn dĩ đã được quy định rõ ràng cụ thể trong luật. Bởi nếu giãn cách xã hội thì hoàn toàn có thể tiếp công dân "online", giao lưu trực tuyến để lắng nghe và giải quyết thấu tình, đạt lý các vướng mắc, bức xúc của người dân.

Không những thế, quan trọng hơn, việc xa dân, không nắm bắt sát thực tế chính là nguyên nhân dẫn đến việc đưa ra những quyết định, quy định không phù hợp, thiếu kịp thời, kém hiệu quả. Thậm chí, thực tế đã cho thấy, đã có nhiều quy định “trên trời” của các cấp lãnh đạo khiến người dân bức xúc mà nguyên nhân chỉ có thể lý giải là không tìm hiểu thực tế mà thôi.

Hiện nay Luật Tiếp công dân quy định tiếp dân định kỳ 1 ngày/tháng đối với Chủ tịch UBND cấp tỉnh; 2 ngày/ tháng đối với Chủ tịch UBND cấp huyện và 1 ngày/tuần đối với Chủ tịch UBND cấp xã, không quy định cơ chế ủy quyền, tiếp thay.

Quy định này cũng cần phải sửa đổi cho phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung theo hướng mở là lãnh đạo UBND các cấp gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch tiếp công dân, chứ không quy định cứng chỉ có Chủ tịch UBND. Đồng thời, ban hành quy định biện pháp chế tài làm cơ sở xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu do không thực hiện tiếp công dân, không trực tiếp chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Trước khi quy định của Luật Tiếp công dân được Quốc hội sửa đổi, bổ sung, thiết nghĩ, người đứng đầu địa phương, nếu không tiếp dân, né tiếp dân, lười tiếp dân thì làm sao xứng đáng với danh từ "chính quyền nhân dân", cán bộ đâu xứng với danh xưng "đầy tớ của dân" như lời Bác Hồ dạy?./.

Theo VOV

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra