Đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Thứ ba, 21/12/2021 17:14
(ThanhtraVietNam) - Ngành Tư pháp cần chủ động đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm ngay từ khi xây dựng thể chế. Phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích chung lên trên hết, trước hết, để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự là của dân, do dân, và vì dân.

Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2022 diễn ra vào sáng ngày 21/12, Hội nghị kết nối trực tiếp đến các điểm cầu của 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và chủ trì Hội nghị.

Cùng dự tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân Tối cao, các Ủy ban của Quốc hội...

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ngành Tư pháp cần chủ động đẩy mạnh hơn nữa phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm ngay từ khi xây dựng thể chế. Phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích chung lên trên hết, trước hết, để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự là của dân, do dân và vì dân.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy, trong năm 2021, với truyền thống đoàn kết, kỷ cương, trí tuệ, đam mê cống hiến và tinh thần vượt khó, ngành Tư pháp đã nỗ lực vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngành Tư pháp đã tham mưu những vấn đề vĩ mô kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, kết luận, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác pháp luật, tư pháp.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và chủ trì Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Đồng thời, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ tham mưu giúp Chính phủ xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật để trình Quốc hội xem xét. Các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 văn bản; ở cấp tỉnh, cấp huyện có 5.510 văn bản đã được ban hành.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng, nhất là các đề xuất, kiến nghị nhằm đảm bảo công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chặt chẽ, góp phần nâng cao chất lượng công tác tư pháp.

Các ý kiến đều đánh giá ngành Tư pháp có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII về 06 nhiệm vụ trọng tâm, 03 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hoàn thiện thể chế.

Trong năm 2022, ngành Tư pháp sẽ tập trung nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và thực thi pháp luật; bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, tình hình thực tiễn để nhanh chóng thể chế hóa, cụ thể hóa pháp luật có khả thi, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nút thắt về thể chế.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng viên trong hệ thống tư pháp. Tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả gắn với việc cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao năng lực phục vụ cho người dân, tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Lan Anh (T.H)

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra