Chiều 20.9, trao đổi tại hội nghị thông tin báo chí về công tác phòng chống COVID-19, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, sau ngày 21.9, việc nới lỏng một số hoạt động vẫn phải đảm bảo công tác phòng chống dịch, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, đời sống người dân.
Với dịch bệnh Hà Nội xác định không thể nói trước được điều gì, vì thành phố vẫn đang ở giai đoạn còn nguy cơ. Hiện thành phố vẫn còn F0 ngoài cộng đồng, mặc dù đã xét nghiệm tầm soát diện rộng như vậy nhưng 2 hôm nay vẫn còn F0 cộng đồng, xét nghiệm 2 - 3 ngày/lần phát hiện ra. Chúng ta phải chung sống một cách chủ động, an toàn với COVID-19” - Phó Bí thư Hà Nội nói
Phó bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, nguy cơ với Hà Nội phải đặt chung trong bối cảnh với các địa phương khác, vì Hà Nội là thủ đô, huyết mạch giao lưu của cả nước, nên nguồn bệnh lây từ bên ngoài vào vẫn rất cao.
Chỉ thị mới về công tác chống dịch sau 21.9 do UBND thành phố ban hành sẽ cho 2 tuần tiếp theo, nhưng căn cứ vào thực tiễn thành phố có thể sẽ điều chỉnh linh hoạt về thời điểm.
“Một nguy cơ mà chúng tôi đánh giá sẽ rất khó khăn là tinh thần, tư tưởng chủ quan của một số cơ quan, người dân, như lò xo bị nén suốt mấy tháng nay, khi mở ra rất dễ quá đà trong khi nguy cơ vẫn rất cao. Kết quả chống dịch có bền vững hay không phụ thuộc vào ý thức chấp hành của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn”, ông Phong nói.
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong thông tin tại cuộc họp.
Phó bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh việc khai báo y tế thường xuyên là vấn đề đặc biệt quan trọng, vì vẫn có những ca ho, sốt không khai báo, khi tới viện mới phát hiện ra.
Hiện Hà Nội đã tiêm vaccine phòng COVID-19 được 94,2% mũi 1 với người trên 18 tuổi, nhưng trạng thái thành phố vẫn chưa thể về “bình thường mới”, vì mũi 2 mới đạt tỷ lệ 12%. Trong khi Bộ Y tế quy định, muốn trở về “bình thường mới”, phải trên 70% mũi 1 và trên 20% mũi 2. Theo ông Phong, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn còn, chưa thể lạc quan có thể mở cửa ngay.
Ông Phong cho biết, trên cơ sở lượng vaccine phân bổ của Bộ Y tế, thành phố phấn đấu tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người dân thành phố theo kế hoạch. "Phấn đấu phủ mũi 2 cho toàn dân vào nửa đầu tháng 11. Trên cơ sở đó tính toán cho các cháu quay trở lại học tập", ông Phong nói.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở LĐTB&XH Bạch Liên Hương khẳng định, trong các đợt giãn cách xã hội, công tác an sinh xã hội đã được các cấp, các ngành của TP chăm lo rất chu đáo. Đặc biệt là đối với các đối tượng người nghèo, lao động gặp khó khăn, lao động ngoại tỉnh; nhiều trường hợp không chỉ được hỗ trợ 1 lần.
Kết quả thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội của TP cho các đối tượng khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng được triển khai khẩn trương, tích cực với tổng kinh phí trên 1.138 tỉ đồng. Trong đó, nguồn Ngân sách Nhà nước trên 866 tỉ đồng và nguồn xã hội hóa trên 271 tỉ đồng. Theo thống kê, đã có gần 2 triệu người khó khăn được hỗ trợ kịp thời.
Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng cho hay, thành phố sẽ không áp dụng quy định phân vùng, không áp dụng cấp giấy đi đường cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo Laodong.vn