Thực trạng đáng lo ngại
Trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta đã chỉ rõ tình trạng: Một bộ phận CB, ĐV giảm sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, hiệu quả thấp; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Tại Đại hội XIII, vấn đề trên tiếp tục được Đảng ta làm rõ, đề ra những giải pháp cơ bản để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Thực tế chúng ta chưa có một nghiên cứu, khảo sát chuyên sâu mang tính định lượng đầy đủ về trách nhiệm của CB, ĐV. Nhưng thực tế qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cho thấy chúng ta đã tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đại đa số CB, ĐV luôn đề cao trách nhiệm, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung ương và báo cáo của các cơ sở Đảng, chỉ riêng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đã có 87.210 đảng viên bị thi hành kỷ luật (so với nhiệm kỳ XI tăng 18%). Trong số đó, có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý (tăng hơn 10 lần so với nhiệm kỳ trước). Ở các đảng bộ địa phương, hơn 25.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật, chiếm 0,5% tổng số đảng viên trong toàn Đảng... Trong đó, phần lớn liên quan đến trách nhiệm thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Đặc biệt, gần đây dư luận bức xúc trước việc một số CB, ĐV giữ vị trí chủ trì thuộc TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển… vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước...
Ngoài những sai phạm lớn, tình trạng một bộ phận không nhỏ CB, ĐV thiếu trách nhiệm, không làm tròn chức trách được giao, lợi dụng chức quyền sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp vẫn diễn ra, gây bức xúc dư luận. Những biểu hiện làm trái các quy định của Nhà nước, thiếu trách nhiệm; lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ vẫn diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương... Dù biểu hiện dưới dạng nào thì những vi phạm ấy đều khởi nguồn từ ý thức trách nhiệm của CB, ĐV.
Khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng
Đúng như Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh: CB, ĐV không hoàn thành nhiệm vụ chức trách, nhiệm vụ chiếm tỉ lệ không nhiều nhưng diễn biến ngày càng phức tạp, đáng lo ngại và đó là một trong những biểu hiện của sự suy thoái. Không chỉ làm mất uy tín, giảm sút lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, tình trạng CB, ĐV thiếu trách nhiệm, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ còn gây lãng phí thời gian, tiền bạc, tài sản, tổn hại đến kinh tế đất nước.
Thực tế cho thấy, chưa bao giờ trong Đảng có số lượng CB, ĐV thoái hóa, biến chất, vi phạm kỷ luật nhiều như vừa qua. Và cũng chưa bao giờ trong Đảng có một số lượng cán bộ cấp cao (cả đương chức và nghỉ hưu), phải đưa ra xử lý nghiêm trước kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước nhiều như thế?
Vẫn biết rằng quan điểm nhất quán của Đảng ta là: Giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng; có công thì thưởng; có tội thì phạt; nhẹ thì nhắc nhở, phê bình; nặng thì phải xử lý nghiêm minh, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ. Nhưng trước thực tế ấy, chúng ta không khỏi buồn lòng, lo lắng. Chứng kiến đồng chí mình bị xử lý kỷ luật, phải vướng vào vòng lao lý, đau lắm nhưng vẫn phải chấp nhận để Đảng ta trong sạch, vững mạnh hơn; để chế độ ta bền vững, tốt đẹp hơn.
Việc xử lý kỷ luật; khởi tố, bắt tạm giam; truy tố đối với một số CB, ĐV trong thời gian qua đã khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Quyết tâm ấy không phải là hô hào chung chung, nằm trên văn bản mà được thể hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể. Qua các bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời gian gần đây chúng ta thấy rất rõ tinh thần ấy.
Quan trọng vẫn là tuyên truyền, giáo dục
Để khắc phục tình trạng CB, ĐV thiếu ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ chung, với công việc của tập thể; thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công, chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng quan trọng nhất vẫn là thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện nâng cao ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước dân, trước nhiệm vụ chung của từng CB, ĐV.
Ý thức trách nhiệm có vai trò quyết định đến tinh thần, thái độ và kết quả làm việc của từng CB, ĐV. Trách nhiệm không đơn thuần là làm cho xong, cho hết công việc được giao, mà mỗi CB, ĐV cần hiểu ý thức trách nhiệm còn được thể hiện ở tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trước nhiệm vụ chung, nhiệm vụ của tập thể, nhất là những nhiệm vụ phức tạp người CB, ĐV có ý thức trách nhiệm phải luôn gương mẫu, dám nhận về mình, thường xuyên nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo và nỗ lực hết mình để vượt lên khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Người CB, ĐV có ý thức trách nhiệm còn thể hiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ họ luôn biết kết hợp hài hòa giữa nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc với thực hành tiết kiệm, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí. Với những CB, ĐV có ý thức trách nhiệm, họ không thể đánh giá một nhiệm vụ, một công việc là hoàn thành tốt nếu để xảy ra tiêu cực, thất thoát, gây tốn kém, lãng phí tài sản của Nhà nước. Người CB, ĐV có ý thức trách nhiệm cao còn thể hiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ luôn tuân thủ đúng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của cấp trên, với tinh thần chủ động, linh hoạt và sáng tạo, nhưng không vượt quá chức trách, quyền hạn.
Cùng với khen thưởng, khích lệ, nêu gương những CB, ĐV có ý thức trách nhiệm cao, trước những vụ việc, những sai phạm phải tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiên minh và rút ra những bài học sâu sắc. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những biểu hiện trách nhiệm hình thức, theo kiểu bên ngoài tỏ ra là người có trách nhiệm, nhưng trong lòng lại không nhận trách nhiệm về mình.
Đặc biệt chúng ta cần kiên quyết lên án, đấu tranh với những biểu hiện vô trách nhiệm trong công việc; bỏ bê nhiệm vụ được phân công, hoặc thực hiện theo kiểu hời hợt, qua loa, đại khái, không quan tâm đến những ảnh hưởng tiêu cực từ thái độ, hành vi sai trái của mình.