Khoảng 70% người tái nghiện sau khi rời khỏi trung tâm cai nghiện

Thứ năm, 15/09/2011 15:05
(Thanhtravietnam.vn) – Sáng 15/9, tại Hội thảo khởi động Dự án “nâng cao năng lực điều trị nghiện ma túy nhằm dự phòng HIV/AIDS tại Việt Nam”, đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết do những hạn chế về công tác hỗ trợ nên tỷ lệ tái hòa nhập cộng đồng của những người nghiện ma túy sau cai nghiện thành công rất thấp. Ước tính, có khoảng 70% những người rời trung tâm cai nghiện để trở về cộng đồng đã quay lại sử dụng ma túy thường xuyên trong vòng 1 năm



Do công tác điều trị cai nghiện còn nhiều hạn chế

Theo bà Đỗ Thị Ninh Xuân, Phó Cục trưởng Cục PCTNXH, Giám đốc dự án, ở Việt Nam hiện nay, mô hình điều trị nghiện ma túy đang được áp dụng phổ biến nhất là điều trị cai nghiện tập trung bắt buộc trong hệ thống trung tâm chữa bệnh – giáo dục – lao động xã hội do Bộ LĐTB&XH và Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố tổ chức và quản lý. Theo mô hình này, các trung tâm thực hiện cắt cơn kết hợp với giáo dục phục hồi hành vi và nhân cách, dạy nghề, lao động sản xuất, quản lý và hỗ trợ sau cai nghiện. Xét về góc độ xã hội, việc lưu giữ người cai nghiện ở tại các cơ sở cai nghiện trên 2 năm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về các yếu tố xã hội của họ như phát triển nhân cách, khả năng học tập, lập gia đình, tìm kiếm việc làm..từ đó hạn chế các cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, đặc biệt đối với nhóm người nghiện thuộc lứa tuổi từ 12 đến 18 tuổi. Mô hình điều trị cắt cơn và phục hồi tương tự tại gia đình và cộng đồng cũng đã được nhà nước khuyến khích sử dụng trong các cơ sở tự nguyện hoặc bắt buộc. Bên cạnh đó, một số cơ sở tư nhân cũng đã cung cấp điều trị cắt cơn và phục hồi cho người nghiện ma túy. Mới đây, Chính phủ cho phép triển khai chương trình thí điểm điều trị nghiện ngoại trú sử dụng phương pháp duy trì bằng thuốc methadone tại cộng đồng một số tỉnh, thành phố dưới sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của chương trình cứu trợ khẩn cấp phòng chống HIV/AIDS.  Mô hình này mới được triển khai và độ bao phủ còn rất thấp nên chưa thể phát huy hiệu quả trong việc giảm sử dụng ma túy và lây nhiễm HIV.

Bên cạnh đó, hiện nay, đối với các dịch vụ điều trị cai nghiện tại các trung tâm, các cơ sở tại cộng đồng và tư nhân, việc cung cấp các dịch vụ y tế và liệu pháp tư vấn hỗ trợ tâm lý trong điều trị cai nghiện ma túy rất hạn chế. Công tác hỗ trợ sau khi trở về cộng đồng hầu như chưa thực hiện được, trừ một số địa phương như Hà Nội và TPHCM. Do vậy, tỷ lệ tái hòa nhập cộng đồng thành công rất thấp. Theo ước tính, có khoảng 70% những người rời trung tâm cai nghiện để trở về cộng đồng đã quay lại sử dụng ma túy thường xuyên trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, tỷ lệ tái nghiện có thể còn cao hơn ở nhiều tỉnh. Một nghiên cứu ở Thái Nguyên trong 4 năm, 2001 – 2004 cho thấy có tới 94,8% trường hợp tái nghiện trong tổng số 1506 người sau nghiện.

Ngoài ra, hệ thống quản lý thông tin về công tác điều trị, quản lý và chăm sóc cho các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là người nghiện ma túy và người hành nghề bán dâm là nền tảng quan trọng cho việc theo dõi, đánh giá thực trạng cũng như hiệu quả của các chương trình xã hội liên quan đến điều trị nghiện và dự phòng HIV vẫn còn nhiều hạn chế. Hệ thống này hiện nay chưa thực sự hoàn thiện, chưa được triển khai rộng rãi trên toàn quốc cũng như thiếu liên kết với hệ thống phòng chống HIV/AIDS của ngành y tế, do đó, nguồn thông tin là cơ sở để xây dựng các chiến lược can thiệp và các chính sách phù hợp trong dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS cho nhóm đối tượng đặc biệt này còn thiếu và yếu.

Cần các dịch vụ hỗ trợ xã hội bằng các phương pháp tiếp cận hiệu quả

Xuất phát từ mục tiêu nhằm tăng cường năng lực cho ngành LĐTB&XH trong điều trị cai nghiện ma túy và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xã hội bằng các phương pháp tiếp cận hiệu quả dựa trên bằng chứng nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng sử dụng ma túy, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm lây nhiễm HIV ở người sử dụng ma túy và người bán dâm tại Việt Nam, dự án hợp tác giữa Trung tâm Dự phòng và Kiếm soát bệnh tật Hoa Kỳ và Bộ lao động thương binh xã hội Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình viện trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Mỹ chính thức được khởi động với tên gọi “nâng cao năng lực điều trị nghiện ma túy nhằm dự phòng HIV/AIDS tại Việt Nam”.

Toàn cảnh Hội thảo khởi động Dự án “nâng cao năng lực điều trị nghiện ma túy nhằm dự phòng HIV/AIDS tại Việt Nam”.

Tổng kinh phí tài trợ cho dự án là 2.500.000 USD, trong đó năm đầu tiên là 315.000 USD. Hoạt động tổng thể giai đoạn 2011 – 2014 sẽ bao gồm 3 chiến lược: Tăng cường hệ thống giám sát và quản lý thông tin của ngành LĐTB&XH về người nghiện ma túy và người bán dâm; Xây dựng năng lực cho cán bộ trong hệ thống điều trị nghiện thuộc ngành LĐTBXH nhằm đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ điều trị nghiện ma túy hiệu quả và chất lượng tại các cơ sở điều trị và Phát triển các mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ điều trị nghiên cứu ma túy hiệu quả dựa trên bằng chứng tại cộng đồng.

Theo đại diện Bộ LĐTB&XH thì khi thực hiện Dự án, với mỗi chiến lược đều có những mục tiêu cụ thể, trong đó với chiến lược thứ nhất, những thông tin về tình hình sử dụng ma túy, hoạt động mại dâm, tình trạng nhiễm HIV và hoạt động điều trị nghiện ma túy sẽ được sử dụng trong việc hoạch định chiến lược can thiệp, lập kế hoạch và chia sẻ với các cơ quan có liên quan. Cùng với đó, các chương trình đào tạo cán bô ngắn hạn và dài hạn sẽ đảm bảo được nguồn lực về con người và tính bền vững của các chương trình điều trị và phục hồi do nhà nước tổ chức triển khai và quản lý. Đặc biệt, ở chiến lược thứ ba, mô hình thí điểm điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng là một mô hình mở, tiếp nhận điều trị trên cơ sở tự nguyện, ngoại trú hoặc nội trú tùy theo nhu cầu bệnh nhân, dễ tiếp cận và kết nối sẽ tạo điều kiện áp dụng đa dạng các phương pháp điều trị có bằng chứng hiệu quả được phát triển và đánh giá làm cơ sở cho việc xây dựng các chính sách can thiệp và đầu tư nguồn lực phù hợp. Chắc chắn, với việc nhân rộng mô hình này, các phương pháp điều trị hiệu  quả dựa trên bằng chứng sẽ được áp dụng và đáp ứng được nhu cầu điều trị nghiện ma túy trong nước, góp phần giảm sử dụng ma túy và giảm lây truyền HIV.

Song Tú

 

nguyenthuhang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra