|
|
Đại diện lãnh đạo tỉnh Nam Định có Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Dũng đi cùng đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm Trưởng đoàn. Nguồn ảnh: Bộ Nông nghiệp |
Đoàn đã đến kiểm tra các khu vực trọng điểm về đê điều, các công trình phòng chống thiên tai, khu neo đậu tàu thuyền, khu công nghiệp trọng điểm như khu công nghiệp Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng); khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão cửa sông Ninh Cơ (huyện Hải Hậu); tuyến đê Cồn Tròn, Hải Thịnh và kè biển Thịnh Long trên tuyến đê biển Hải Hậu.
|
|
Đoàn công tác kiểm tra tuyến đê Cồn Tròn, Hải Thịnh; kè biển Thịnh Long. Nguồn ảnh: Bộ Nông nghiệp |
Là một tỉnh ven biển, hiện Nam Định có 535,060 km đê, trong đó: đê sông 279,236 km; đê cửa sông 39,447 km; đê biển 75,161 km. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã và đang tích cực rà soát hiện trạng toàn hệ thống đê điều và công trình đê điều đang thi công dở dang trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, rà soát lại các phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu; đồng thời kiểm tra việc chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ trên thực tế; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
Theo báo cáo nhanh của địa phương, để chủ động ứng phó với bão số 3 Yagi, Nam Định từ sáng sớm nay đã có lệnh cấm biển: Cấm các phương tiện ra khơi từ 6 giờ ngày 06/9/2024, cấm các hoạt động vui chơi trên biển, cấm tắm biển từ 6 giờ ngày 06/9/2024 đến khi có tin bão cuối cùng.
Tỉnh Nam Định yêu cầu các đơn vị chức năng kiểm đếm, kêu gọi chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản; nhân dân vùng cửa sông, ven biển, chòi canh vây vạng vào nơi tránh trú an toàn hoàn thành xong trước 11 giờ ngày 06/9/2024.
Đồng thời, các địa phương di dời số lao động khu vực nuôi trồng thủy, hải sản ven biển và trên các lều chòi vào trong đê theo lệnh cấm biển, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra./.
K. Dung