Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ sáu, 05/11/2021 21:38
(ThanhtraVietNam) - Cùng với việc tiến hành đồng bộ, quyết liệt hơn nữa 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, tại Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII thống nhất bổ sung thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.

Phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống dịch bệnh

Quyết liệt triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp

Với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Công tác đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ được thực hiện quyết liệt, có chuyển biến rõ nét, ngày càng đi vào chiều sâu, kết hợp hài hoà giữa “xây” và “chống”, đạt kết quả cao hơn, mạnh mẽ, kiên quyết hơn so với kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng có nhiều đột phá

Để thực hiện Nghị quyết khoá XII hiệu quả, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết để lãnh đạo toàn diện, đồng bộ các mặt công tác xây dựng Đảng và chỉ đạo thực hiện nhất quán từ Trung ương đến cơ sở.

Đáng chú ý, đã siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đổi mới công tác cán bộ; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền; xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm đã góp phần ngăn chặn tiêu cực, có tác dụng cảnh báo, răn đe, phòng ngừa. Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng chỉ rõ nguyên nhân cơ bản của tham nhũng chính là từ tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Kết quả, trong nhiệm kỳ XII, cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 82.210 đảng viên; trong đó, có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức và nghỉ hưu. Các cấp uỷ đã phát hiện, xử lý kỷ luật 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, chiếm 0,5% tổng số đảng viên toàn Đảng.

Đồng thời, những đột phá trong công tác đấu tranh PCTN tiếp tục được cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ, được quốc tế ghi nhận. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN có nhiều đổi mới, quyết tâm chính trị cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo những khâu yếu, việc khó với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Theo đó, đã chỉ đạo xử lý 127 vụ án, 91 vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ - Internet

Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức được chú trọng; việc học tập và làm theo gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào thực chất, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội. Kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhiệm kỳ XII, trong đó có kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã khẳng định vai trò lãnh đạo, đường lối đúng đắn, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng.

Tuy nhiên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu chưa chỉ đạo quyết liệt, nhận thức chưa gắn với hành động, thực hiện chưa nghiêm Nghị quyết của Đảng; chưa thể chế hoá, cụ thể hoá đầy đủ, kịp thời một số nội dung của Nghị quyết; các quy định về công tác cán bộ chưa thật đồng bộ…

Từ thực tiễn thực hiện Nghị quyết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho rằng, có thể rút ra 5 bài học kinh nghiệm sâu sắc, gồm: Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, kiên quyết, kiên trì của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp uỷ, tổ chức đảng, sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng; chủ trương đúng đắn của Nghị quyết sẽ tạo được sự thống nhất về nhận thức, hành động trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân; phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng; xác định đúng trọng tâm, trọng điểm sẽ tạo đột phá trong thực hiện Nghị quyết; phải thực sự phát huy dân chủ, dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Triển khai nhiệm vụ, giải pháp gắn với Nghị quyết Đại hội XIII

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu nội dung các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần được cập nhật, bổ sung đầy đủ, sâu sắc hơn nữa những vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra, gắn với Nghị quyết đại hội XIII của Đảng.

Trong đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình. Mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để quán triệt sâu sắc Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW…

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu. Cụ thể, thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; xây dựng cơ chế phát hiện, lựa chọn, trọng dụng nhân tài, cán bộ có năng lực nổi trội, cán bộ trẻ để đào tạo, bổ sung cán bộ giỏi cho Đảng; đổi mới công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và nhiệm kỳ tiếp theo.

Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

Đặc biệt, kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ vi phạm. Theo đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cấp uỷ, tổ chức đảng, bán bộ, đảng viên đối với công tác PCTN; xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Cùng với đó, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu tực tại địa phương, cơ sở; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc liên quan đến tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm…

Ngoài ra, tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, nhất là đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm quy định tiếp dân của Đảng, Nhà nước, kịp thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề nhân dân phản ánh, bức xúc liên quan đến cán bộ, đảng viên./.

Hoàng Minh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra