Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Luật sư trên địa bàn Hà Nội được tổ chức ngày 13/9, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, sau 5 năm thi hành luật (từ 01/1/2007 đến ngày 30/6/2011), Hà Nội đã có 1.678 luật sư, 1.379 người tập sự hành nghề luật sư và 797 tổ chức hành nghề luật sư, trung bình các tổ chức hành nghề luật sư có từ 01 đến 05 luật sư. Các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện được 38.308 vụ việc, trong đó hình sự 2.959 vụ, (trong tổng số 2.959 vụ đã giải quyết thì có 1.814 vụ được khách hàng mời và 1.161 vụ hình sự chỉ định) dân sự 2.061 vụ, kinh tế 1.049 vụ, hành chính 393 vụ, lao động 417 vụ, tư vấn pháp luật 19.045 vụ với tổng doanh thu hơn 1.096 tỷ đồng và nộp ngân sách TP hơn 339 tỷ đồng.
Dự thảo báo cáo tổng kết hoạt động luật sư khẳng định, hoạt động tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý của luật sư đã góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, lành mạnh, đúng pháp luật. Đồng thời, hỗ trợ tích cực việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thị trường dịch vụ, tăng thu ngân sách Nhà nước, và giúp các tổ chức, cá nhân hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Việc tham gia tố tụng của các luật sư đã góp phần đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo, các đương sự, đồng thời giúp cơ quan tiến hành tố tụng xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ pháp chế. Ngoài các hoạt động hành nghề theo đăng ký, các tổ chức hành nghề luật sư còn tích cực tham gia các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách, góp ý vào các dự thảo luật, tham gia Đề án Cải cách TTHC của Chính phủ…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều luật sư trẻ sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề đã vội vàng mở văn phòng riêng. Do thiếu kinh nghiệm, năng lực nên dẫn đến không ít văn phòng mở ra không tồn tại được. Một số tổ chức hành nghề chưa chấp hành nghiêm các quy định trong mở văn phòng giao dịch, thay đổi trụ sở, nộp báo cáo không đúng thời hạn và phần lớn các tổ chức hành nghề luật sư không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật sư. Nguyên nhân của tình trạng này được UBND thành phố nhìn nhận là do Luật luật sư và Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp còn thiếu các chế tài trong việc tổ chức hành nghề luật sư. Ngoài ra, thời gian qua còn có tình trạng một số luật sư khi tư vấn pháp luật cho người dân trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hay chế độ chính sách của thương binh, liệt sỹ lại chưa tìm hiểu hết các văn bản pháp luật mới ban hành, dẫn đến tình trạng người dân khiếu kiện vượt cấp, cá biệt có luật sư còn vi phạm pháp luật…
Để làm tốt công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động luật sư, UBND thành phố Hà Nội đã đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư cho phù hợp với giai đoạn hiện nay. Cụ thể, quy định thời hạn khi luật sư được Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề là bao lâu thì mới được đăng ký hoạt động và số luật sư tối thiểu tại các tổ chức hành nghề; quy định cụ thể về diện tích trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư, thời hạn tối thiểu thuê nhà làm trụ sở để tránh thay đổi liên tục; quy định thời hạn cụ thể tổ chức hành nghề luật sư không hoạt động thì Sở Tư pháp có quyền thu hồi Giấy đăng ký hoạt động. Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2007/TT-BTP để thuận lợi hơn trong việc quản lý Nhà nước về hoạt động luật sư.
Cũng theo Dự thảo báo cáo, nhiều luật sư cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận cho luật sư tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra vẫn gặp nhiều khó khăn, nhiều trường hợp CQĐT còn vi phạm quy định về thời hạn. Khi bào chữa cho bị can đang bị tạm giam, việc tiếp xúc với bị can để xác nhận mời luật sư không được CQĐT tạo điều kiện. Theo quy định của Luật LS, Giấy chứng nhận người bào chữa, bảo vệ quyền lợi của đương sự có giá trị trong cả quá trình tố tụng, nhưng thực tế nhiều trường hợp khi hồ sơ chuyển sang Tòa án, Tòa án không chấp nhận mà lại yêu cầu luật sư phải thực hiện các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận mới. Không ít trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo chỉ định chỉ được tham gia mang tính hình thức, nhất là giai đoạn điều tra, chỉ đến buổi hỏi cung cuối cùng mới được dự để hợp thức hóa thủ tục. Liên quan đến thực trạng này, thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cho rằng, đây là vấn đề đáng quan tâm trong hoạt động luật sư, trên thực tế hiện nay, luật sư chưa được tôn trọng và tạo điều kiện đúng mức, đặc biệt là trong giai đoạn điều tra. Do đó, thứ trưởng đề nghị các cơ quan tố tụng cần chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để luật sư phát huy đúng vai trò khi tham gia tố tụng./.
Song Tú