MTTQ Việt Nam kiến nghị: Tiếp dân không đủ, cần xử lý nghiêm người đứng đầu

Thứ ba, 12/10/2021 06:58
Ban Thường trực MTTQ Việt Nam quyết định kiến nghị ban hành quy định, biện pháp chế tài làm cơ sở xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu không thực hiện tiếp công dân đầy đủ.

Chiều 11/10, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị “Góp ý báo cáo chuyên đề giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp năm 2021”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu và Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu.

Tiếp dân chính là vận động người dân

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh, đây là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần đánh giá chính xác, khách quan, thực trạng tình hình, trách nhiệm và kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch UBND các cấp, đồng thời đánh giá những bất cập của một số văn bản pháp luật liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và đối với Chủ tịch UBND các cấp nói riêng.

“Công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, ổn định tình hình an ninh trật tự, qua đó góp phần tạo lập môi trường ổn định cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước cũng như mỗi địa phương”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Bàn về vai trò của công tác tiếp dân, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ cho rằng, hiện nay đã có những quy định rất rõ ràng Chủ tịch UBND các cấp phải tiếp dân. Tuy nhiên, nhiều Chủ tịch UBND tổ chức tiếp dân một cách nghiêm chỉnh nhưng nhiều vị lại không tiếp. Do đó, rất nhiều đoàn đông người mang theo những bức xúc tìm đến Ban tiếp dân Trung ương để khiếu nại.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ.

 

“Thực chất của tiếp dân không chỉ là ghi nhận sự việc một cách đơn thuần. Thực chất của việc tiếp dân chính là vận động người dân. Do đó, người tham gia tiếp dân không thể tiếp một cách vô cảm. Nếu vô cảm người dân sẽ không nghe. Đây là lý do mà Ban tiếp dân Trung ương lúc nào cũng đông người tìm đến. Nguyên nhân của việc này có thể là do địa phương không giải quyết kịp thời các bức xúc, chưa tổ chức đối thoại với người dân”, ông Điệp chia sẻ.

Có địa phương không tiếp dân ngày nào

Báo cáo một số kết quả giám sát, ông Phan Văn Vượng, Phó trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, các Chủ tịch UBND cấp tỉnh cơ bản đã tổ chức tiếp công dân định kỳ theo quy định. Tuy nhiên, hầu hết không bảo đảm theo quy định của Luật Tiếp Công dân, số lượng ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh tính bình quân trên địa bàn toàn quốc không đạt 50% theo quy định.

leftcenterrightdel
 Ông Phan Văn Vượng, Phó trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. 

Trong kỳ giám sát 18 tháng, nhiều Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ tiếp dân một, hai ngày thậm chí có người không tiếp dân ngày nào.

Cụ thể, 13 Chủ tịch tỉnh tiếp dân đạt từ 50% quy định trở lên, chiếm 20,6 %; 45 Chủ tịch tỉnh tiếp dân đạt dưới 50% quy định, chiếm 71%. Có 5 Chủ tịch tỉnh chỉ tiếp dân 1 ngày/18 tháng, chiếm 0,79%. Đáng chú ý, Chủ tịch UBND 4 tỉnh thành: Bình Dương, Đăk Nông, Thừa Thiên –Huế, TP.HCM không tiếp dân ngày nào trong 18 tháng (từ 1/1/2020 đến 30/6/2021).

Giải thích về hiện tượng này, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ cho biết, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, các đợt giãn cách xã hội liên tiếp do dịch COVID-19 là một trong những nguyên nhân khách quan khiến Chủ tịch UBND các tỉnh không thể tổ chức tiếp dân.

Tại hội nghị, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm HĐTV về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị, trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, chủ thể quan trọng nhất là người dân nên rất mong các cấp chính quyền, nhất là UBND các cấp phải đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Trong đó những khiếu nại liên quan đến vấn đề đất đai là lớn nhất.

“Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phải được thực hiện ngay từ cơ cở, cấp xã không đùn đẩy lên cấp huyện, cấp huyện không đùn đẩy lên cấp tỉnh, cấp tỉnh không được đùn đẩy lên Trung ương. Nhưng hiện nay chúng ta lại tổ chức ngược, gây bức xúc trong nhân dân ghê gớm”, ông Đỗ Duy Thường cho biết.

leftcenterrightdel
 

Xử lý trách nghiệm người đứng đầu

Sau quá trình cân nhắc, Ban Thường trực MTTQ Việt Nam quyết định kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành quy định biện pháp chế tài làm cơ sở xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu do không thực hiện tiếp công dân, không trực tiếp chỉ đạo giải quyết khiếu nại tố cáo; giải quyết khiếu nại tố cáo chậm trễ (quá thời hạn) để xảy ra vụ việc bức xúc, đông người, kéo dài.

Cùng với đó nghiên cứu xem xét sửa đổi Luật Khiếu nại, Luật Đất đai. Trong đó, tăng thời hạn giải quyết khiếu nại (lần đầu, lần hai) liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư để việc giải quyết khiếu nại đảm bảo chất lượng, hiệu quả./.

Theo VOV.VN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra