Những quyết sách lớn được Quốc hội thông qua cần phải đi ngay vào cuộc sống

Thứ hai, 15/11/2021 09:15
Đây là đánh giá chung của nhiều đại biểu sau kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vừa khép lại với nhiều điểm mới đặc biệt.
Sau 16,5 ngày kết hợp họp trực tuyến và trực tiếp, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đã thành công. Đây là lần thứ 3 Quốc hội họp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Quốc hội khóa XV đã kết thúc kỳ họp thứ 2. Ảnh: Văn Hiếu 

Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, thay vì thảo luận trực tiếp, ở kỳ họp này, các phiên thảo luận trực tuyến diễn ra nhiều hơn. Đặc biệt ở đợt 1 của kỳ họp, ngoài các tổ thảo luận ở Hà Nội, các đoàn đại biểu đều thảo luận tại địa phương. Quốc hội có đánh giá thậm chí xếp loại ý kiến thảo luận của các đoàn đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận trực tuyến. 

Việc họp trực tuyến của Quốc hội không chỉ là giải pháp tình thế

Nhìn nhận về kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, kỳ họp lần này đặc biệt hơn các lần trước ở thời gian họp tập trung rút ngắn hơn, tuy nhiên vẫn đảm bảo và hoàn thành rất tốt nội dung chương trình kỳ họp đã đề ra. “Không vì thời gian ngắn hay phải họp trực tuyến nhiều mà sự tập trung của đại biểu dành cho kỳ họp giảm đi. Ngược lại tôi cho rằng chất lượng của kỳ họp còn được nâng cao, khi các đại biểu đều làm việc hết sức mình”, đại biểu đoàn Hải Dương nhận xét.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương 

Theo đánh giá của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, dù thảo luận trực tuyến, nhưng đại biểu các đoàn đều tham gia nhiệt tình, cho ý kiến đúng trọng tâm trọng điểm vấn đề Quốc hội đề ra. Nhiều ý kiến sắc sảo đã được tiếp thu. Tuy họp trực tuyến nhưng các đại biểu làm việc nghiêm túc và chất lượng.

Đại biểu đoàn Hải Dương cho biết, tất cả các đại biểu Quốc hội đều rất mong muốn, thậm chí tin tưởng, việc họp trực tuyến không phải là giải pháp tình thế để ứng phó với dịch bệnh mà đây sẽ là xu hướng tất yếu của một Quốc hội điện tử, đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh công nghệ số trong thời kỳ hiện nay.

Những quyết sách lớn đã được Quốc hội thông qua cần nhanh chóng đi vào cuộc sống

Ấn tượng của đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn TP Hà Nội) đối với kỳ họp này là những vấn đề lớn đã được thảo luận kỹ lưỡng và được thông qua. Những tranh luận, chất vấn tại nghị trường đã thấy được những vấn đề nóng đang đặt ra, không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh mà chúng ta cũng phải có những lường trước, kế hoạch mang tính dài hạn hơn.

leftcenterrightdel
Đại biểu Bùi Hoài Sơn, đoàn Hà Nội 

“Quốc hội đang đảm đương tốt vai trò của mình, thích ứng linh hoạt trong tất cả các hoạt động và tạo niềm tin trong nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội”- đại biểu Bùi Hoài Sơn khẳng định.

Tuy nhiên, đại biểu mong muốn có thêm thời lượng cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đặc biệt là phiên chất vấn với Thủ tướng, để các đại biểu có thể nêu được hết những vấn đề thực sự bức xúc rất cần có những giải đáp từ Thủ tướng và các vị trưởng ngành.

“Tôi kỳ vọng những quyết sách lớn đã được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này sẽ được triển khai ngay và có hiệu quả trong thực tiễn. Những tranh luận, chất vấn và cam kết từ các tư lệnh ngành sẽ trở thành những hành động cụ thể để giải quyết tận gốc, thấu đáo những vấn đề mà các Bộ trưởng đã chỉ rõ và đã hứa trước đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước”, đại biểu đoàn Hà Nội bày tỏ.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chiến lược ngoại giao vaccine, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước; triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; nghiên cứu ban hành hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em ở các độ tuổi trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế; rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống dịch; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách hỗ trợ lao động tự do, người dân có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội và sự công bằng trong thụ hưởng, không để sót, bỏ lọt đối tượng…

leftcenterrightdel
Đại biểu Trịnh Tú Anh, đoàn Lâm Đồng. 

Mong có thêm cơ chế đặc thù cho các địa phương khác

Theo đại biểu Trịnh Tú Anh (đoàn Lâm Đồng), mặc dù Quốc hội kết hợp họp trực tiếp với trực tuyến, nhưng công tác chuẩn bị tài liệu cho kỳ họp rất tốt, đúng thời hạn, đủ thời gian để đại biểu có thể tham gia. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ của công nghệ thông tin, đường truyền trực tuyến tốt, đảm bảo thông suốt giữa đầu cầu trung tâm và 62 điểm cầu trên toàn quốc. Hoạt động y tế cho các đại biểu và những người phục vụ liên quan cũng luôn được đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19.    

Đánh giá cao việc ban hành nghị quyết cơ chế đặc thù cho Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và TP Hải Phòng tại kỳ họp lần này là một quyết định đúng đắn, tạo điều kiện để các địa phương phát triển mạnh hơn, tuy nhiên, đại biểu đoàn Lâm Đồng cho rằng, ngoài việc ban hành cơ chế đặc thù cho 4 địa phương này, cần xem xét, đề ra những tiêu chí về cơ chế đặc thù với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nhằm tạo động lực phát triển. Ngược lại, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng như HĐND các tỉnh, thành, các đại biểu và nhân dân cũng cần có sự giám sát cụ thể các địa phương này một cách đúng đắn và hợp lý nhất.

Quốc hội mạnh dạn nêu văn hóa từ chức tại nghị trường

Theo dõi diễn biến của kỳ họp thứ 2 qua các phương tiện thông tin đại chúng, cử tri Nguyễn Thanh Bình, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM tâm đắc nhất trong kỳ họp Quốc hội lần này là những ý kiến thẳng thắn nói về văn hóa từ chức. Nếu không có văn hóa từ chức, sẽ không có một bộ máy hoạt động trơn tru, hiệu quả. Đồng thời, dễ gây trì trệ cho cả hệ thống và người bị ảnh hưởng về quyền lợi chính là người dân:

“Đáng nói ở đây là kỳ họp này của Quốc hội rất mạnh dặn đặt ra một lần nữa về văn hóa từ chức. Tôi nghĩ việc này nên triển khai rộng rãi và triển khai sớm. Bởi vì qua đợt dịch vừa qua nó cho thấy rằng nhiều nơi lãnh đạo địa phương vì công tác chống dịch kém hiệu quả nên bị điều chuyển chỗ khác cũng có, hạ chức cũng có và đồng thời miễn nhiệm cũng có”- cử tri Nguyễn Thanh Bình nhận xét.

Bên cạnh việc ghi nhận những điểm tích cực mà tại kỳ họp thứ 2 đạt được, cử tri Lê Đức Tâm - một người dân tại Quận 7 tỏ ra băn khoăn, trăn trở khi nhiều vấn đề thiết thân với đời sống chưa được bàn sâu và đề ra hướng giải quyết:

“Sau 5 tháng chống dịch, ngân sách chi hỗ trợ cho người dân, rồi bây giờ giá xăng dầu lên đột ngột, theo cách "ngựa phi" như vậy thì người dân chịu không nổi, doanh nghiệp lớn cũng chịu không nổi và phá sản sẽ cao hơn, vì nhiều doanh nghiệp sống nhờ xăng dầu. Có thể tăng theo lộ trình, năm sau có thể tăng, chống dịch 5 tháng thì tăng dần trong 3 năm”./.

Theo VOV

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra