Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Sáng 20/8, VPCP tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống (28/8/1945-28/8/2020) và Đại hội thi đua yêu nước VPCP giai đoạn 2020-2025.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các đồng chí nguyên lãnh đạo Chính phủ qua các thời kỳ, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan... dự kỷ niệm.
Tinh thần làm việc ‘Trung thành-Tận tụy-Đoàn kết-Trí tuệ-Kỷ cương’
Phát biểu tại buổi kỷ niệm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, cách đây 75 năm, ngày 28/8/1945, ngay sau khi Chính phủ lâm thời được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định lập bộ máy văn phòng giúp việc của Chính phủ - tiền thân của VPCP ngày nay.
Để ghi nhớ sự kiện lịch sử này, ngày 28/8 trở thành Ngày truyền thống của VPCP và Văn phòng cơ quan hành chính Nhà nước.
Suốt 75 năm qua, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của VPCP luôn ý thức, thấm nhuần sâu sắc và làm theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Công tác Văn phòng có tầm quan trọng đặc biệt, giúp cho cán bộ lãnh đạo nắm được tình hình. Cán bộ Văn phòng nắm tình hình sai thì lãnh đạo sẽ giải quyết công việc không đúng... cho nên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác và giữ bí mật, để phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”. Đến nay, lời căn dặn của Người vẫn còn nguyên giá trị.
Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, tuy cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và tên gọi thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử, nhưng các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động luôn xác định đúng và thực hiện với trách nhiệm cao nhất vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình.
Thời kỳ đầu, với số lượng cán bộ còn ít ỏi, Văn phòng Chủ tịch phủ đã vinh dự được giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lãnh đạo, điều hành đất nước; giải quyết những vấn đề cấp bách, xây dựng nền móng vững chắc cho Nhà nước dân chủ nhân dân kiểu mới.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (ngày 19/12/1946), Văn phòng Chủ tịch phủ theo Người và Chính phủ lên Chiến khu Việt Bắc cùng Trung ương lãnh đạo quân và dân ta tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại chống thực dân Pháp đến ngày thắng lợi. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 07/5/1954) và trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Văn phòng Phủ Thủ tướng đã có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chung của đất nước.
Nhiều cán bộ, nhân viên Văn phòng đã nhập ngũ, trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường, không ít người đã anh dũng hy sinh. Đại thắng mùa xuân năm 1975 đưa đất nước đi đến thống nhất, Văn phòng Phủ Thủ tướng đã tích cực tham mưu xây dựng, kiện toàn bộ máy tổ chức; đổi mới cơ chế chính sách, từng bước xóa bỏ quan liêu, bao cấp, mở rộng quyền chủ động sản xuất kinh doanh; phát triển giáo dục, văn hóa, y tế, khoa học kỹ thuật; mở rộng quan hệ đối ngoại; bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, từ năm 1992 đến nay là VPCP, đã cùng các bộ, ngành tích cực, chủ động tham mưu ban hành nhiều cơ chế, chính sách xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nguồn nhân lực, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu lớn, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Nhiều năm qua, đặc biệt là trong 5 năm gần đây, với tinh thần làm việc "Trung thành - Tận tụy - Đoàn kết - Trí tuệ - Kỷ cương”, VPCP đã nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với quan điểm coi trọng hoàn thiện thể chế theo hướng thống nhất, đồng bộ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khơi dậy động lực, tạo niềm tin, khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, giảm phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên; khai thông, giải phóng tối đa mọi nguồn lực, mang đến động lực tăng trưởng mới và dư địa tăng trưởng trong dài hạn.
Trong thẩm tra các đề án, dự án, VPCP luôn có ý kiến độc lập, chú trọng đánh giá tác động và bảo đảm tính hợp lý, khả thi, phù hợp của chính sách. Kiên quyết loại bỏ cơ chế xin-cho, lợi ích nhóm. Tích cực tham gia, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình chuẩn bị, hoàn thiện, soạn thảo các báo cáo, dự thảo văn kiện để trình các cơ quan có thẩm quyền.
Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, ngay từ khi dịch bệnh xảy ra ngoài lãnh thổ, VPCP đã chủ động, tích cực theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời báo cáo, tham mưu những biện pháp phòng chống dịch từ sớm. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, VPCP chủ động đề xuất nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả, góp phần quan trọng trong thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế.
Tích cực cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử
Một trong những điểm sáng nổi bật thể hiện tinh thần hành động, nói đi đôi với làm là việc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm làm Tổ trưởng.
Tổ công tác đã tiến hành 89 cuộc kiểm tra, tạo sự chuyển động trong thực thi, phá bỏ sự trì trệ; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương; tạo chuyển biến rõ rệt trong tổ chức thực hiện. Nhiều vướng mắc được tháo gỡ kịp thời, số nhiệm vụ quá hạn giảm mạnh, chỉ còn 1,1% - giảm 23,9% so với trước khi thành lập Tổ công tác. Học tập sáng kiến này của Thủ tướng, đến nay, tất cả các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đều thành lập tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ. Với những kết quả tích cực đó, Tổ công tác đã được Trung ương đánh giá là hoạt động quyết liệt, không ngại va chạm, đem lại hiệu quả tích cực và là điểm sáng nhất trong năm 2017.
Tính riêng giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm VPCP tiếp nhận, xử lý hơn 100.000 văn bản; tham mưu tổng hợp, trình lãnh đạo Chính phủ hơn 13.000 phiếu trình để xử lý khối lượng lớn công việc thường xuyên do các bộ, cơ quan trình; luôn tuân thủ quy chế làm việc, tổng hợp đầy đủ, trung thực ý kiến của các bộ, cơ quan, đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành hơn 26.000 văn bản.
Bám sát mục tiêu giải phóng mọi nguồn lực, mang lại lợi ích cho người dân và phát triển kinh tế-xã hội, công tác kiểm soát, cải cách thủ tục hành chính có nhiều kết quả nổi bật, chuyển biến vượt bậc, thực chất hơn, góp phần giúp Việt Nam tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh và 20 bậc cải thiện môi trường kinh doanh toàn cầu.
VPCP đã phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành trình Chính phủ cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, hướng tới tiêu chuẩn của OECD; tập trung một đầu mối kiểm tra chuyên ngành, giảm chồng chéo, phiền hà cho doanh nghiệp. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Trong xây dựng Chính phủ điện tử, VPCP đã tích cực tham mưu theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng: “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh và bắt đầu từ những việc nhỏ nhất" hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Bằng nỗ lực và hành động quyết liệt, VPCP đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và đưa vào vận hành thành công 3 hệ thống quan trọng phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gồm: Trục liên thông văn bản quốc gia - đã kết nối với 100% các bộ, ngành, địa phương và nhiều cơ quan, tổ chức khác, tiếp nhận trên 2,2 triệu văn bản điện tử; tiết kiệm cho ngân sách hơn 1.200 tỷ đồng/năm.
Hệ thống Thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) - hướng tới Chính phủ không giấy tờ, đã thay thế việc in ấn, phát hành hơn 200.000 hồ sơ, tài liệu giấy, tiết kiệm khoảng 169 tỷ đồng/năm.
Cổng Dịch vụ công quốc gia - kênh" hữu hiệu nhất để “điện tử hóa” thủ tục hành chính, đang cung cấp 1.000 dịch vụ công, có hơn 58 triệu lượt truy cập, hơn 227.000 tài khoản đăng ký, trên 14,3 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái, trên 281.000 hồ sơ được thực hiện, tiết kiệm chi phí xã hội trên 6.700 tỷ đồng/năm.
Cả 3 sản phẩm ra đời đều được nhiều tổ chức uy tín bình chọn là 3 sự kiện trong 10 sự kiện nổi bật của năm 2019. Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa đi vào hoạt động, góp phần thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ thông tin, số liệu giấy chuyển sang dữ liệu số thông minh, thời gian thực, chính xác. Tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước khoảng 460 tỷ đồng/năm.
Đây là những bước tiến quan trọng, điểm nhấn trong phát triển Chính phủ điện tử, thể hiện vai trò gương mẫu tiên phong, dẫn dắt của VPCP trong điều phối, tổ chức triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
VPCP cũng xác định đúng vai trò bảo đảm và cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành; làm tốt vai trò người phát ngôn; cung cấp thông tin ra công chúng, góp phần định hướng dư luận, xử ký kịp thời các vấn xã hội quan tâm. Kênh tương tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động, đến nay đã tiếp nhận hơn 8.100 kiến nghị của doanh nghiệp và người dân và đã xử lý hoặc chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Qua đó, thực hiện hiệu quả vai trò cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần xây dựng hình ảnh Chính phủ lắng nghe, gần dân, hành động, phục vụ.
Cùng với đó, công tác hậu cần, kỹ thuật ngày càng chu đáo hơn, trách nhiệm hơn, chuyên nghiệp hơn; phục vụ tốt hơn các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tổ chức nhiều sự kiện chính trị lớn trong nước và các hoạt động đối ngoại, tiếp tục khẳng định trách nhiệm, chủ động, kịp thời và sáng tạo của Việt Nam tại diễn đàn khu vực và thế giới, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Các đơn vị sự nghiệp được sắp xếp, tổ chức hợp lý theo hướng tăng tự chủ, tạo ra sự năng động, cải thiện rõ rệt hiệu quả hoạt động.
VPCP đã nhiều lần được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân chương, như: Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2001), Huân chương Sao vàng (năm 2015) và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đó là sự ghi nhận quá trình cống hiến, trưởng thành của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của VPCP trong 15 năm qua; cố vũ, động viên lớn lao đối với cơ quan tham mưu tổng hợp, giúp việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phát huy thành tích đạt được, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ
Trong giai đoạn 2015-2020 công tác thi đua, khen thưởng của VPCP tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh đó, VPCP tổ chức phát động 6 phong trào thi đua với khẩu hiệu, nội dung và giải pháp hành động cụ thể. Nổi bật là phong trào thi đua xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”; phong trào thi đua "Tăng cường kỷ cương, không ngừng đổi mới, thi đua sáng tạo, xây dựng VPCP chuyên nghiệp, hiện đại, tận tụy phục vụ hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tình hình mới”...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh, thời gian tới, VPCP tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phát động phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực và trong từng đơn vị nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động; đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức tổ chức phong trào thi đua ngày càng thiết thực, hiệu quả; chú trọng phát hiện các điển hình, nhân tố mới, các tấm gương người tốt, việc tốt; động viên, khen thưởng kịp thời, nhất là những đơn vị cơ sở, cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.
Tại buổi kỷ niệm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đề nghị toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động VPCP và cả hệ thống văn phòng các cơ quan hành chính Nhà nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần to lớn hơn nữa vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.
Trước mắt, sau những thành công nhất định trong phòng chống đại dịch COVID-19, nhưng tình hình đang diễn biến khó lường, nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng cao, kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng, để hoàn thành trách nhiệm lớn lao mà Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhân dân giao phó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của VPCP cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác, quán triệt sâu sắc thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: “Mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”; phải tích cực chủ động hơn nữa tham mưu xử lý những vấn đề phức tạp, nảy sinh, quyết tâm thực hiện bằng được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Thay mặt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động VPCP, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu lời hứa với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Chính phủ: Với phương châm hành động “Kỷ cương - Chất lượng - Kịp thời - Chuyên nghiệp - Hiện đại", VPCP nguyện tận tâm, hết lòng; luôn tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân; nỗ lực phấn đấu, ra sức thi đua lập nhiều thành tích hơn nữa, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, rất đỗi tự hào suốt 75 năm qua, để mãi mãi xứng đáng là cơ quan tham mưu tổng hợp, giúp việc trực tiếp, tin cậy của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần xây dựng thành công “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”.
Theo VGP News