Quyết tâm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần thứ 5 của EC

Thứ hai, 04/11/2024 17:00
(ThanhtraVietNam) - Công điện số 111/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm quyết tâm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu (EC).

Không để bị động, bất ngờ ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ "Thẻ vàng" IUU

Quyết tâm cao nhất gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của Đoàn Thanh tra Ủy ban Châu Âu

leftcenterrightdel
 Ngành Thủy sản Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề do bị "thẻ vàng" của EC. Ảnh: ITN

Công điện nêu: Để quyết tâm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần thứ 5 của EC, không để ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Thủy sản, đời sống sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển; đặc biệt là không làm giảm uy tín, vị thế, hình ảnh của quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ban, bộ, ngành và địa phương có liên quan, từ nay đến trước khi Đoàn Thanh tra của EC sang kiểm tra thực tế tại Việt Nam lần thứ 5 cần tập trung nguồn lực, xử lý dứt điểm các nội dung trọng tâm, cấp bách sau:

Thứ nhất, các Ban, Bộ, ngành và địa phương có liên quan tổ chức quán triệt, phân công cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, thời gian hoàn thành, kết quả đạt được để triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU tại Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về IUU.

Ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, rà soát, xác định các khu vực, các tàu cá thường xuyên vi phạm đánh bắt ở các vùng biển nước ngoài để tập trung lực lượng kiểm soát, ngăn chặn xử lý nhất là tại các tỉnh: Kiên Giang, Bình Định, Cà Mau.

Đảm bảo nguồn lực, kinh phí, chuẩn bị nội dung và các điều kiện tốt nhất để đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 5.

Thứ hai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tiếp tục nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 15/12/2024.

Chủ trì với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết bị, gắn thiết bị kết nối trên các tàu cá để đảm bảo chất lượng, phòng ngừa các hành vi tháo gỡ, tắt thiết bị giám sát sát hành trình tàu cá.

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các doanh nghiệp công nghệ tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin quản lý nghề cá; đảm bảo dữ liệu kết nối đồng bộ, thống nhất.

Kiện toàn hệ thống kiểm ngư từ trung ương đến địa phương. Thiết lập cơ sở chỉ huy chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến các chi cục Kiểm ngư Vùng và Kiểm ngư địa phương 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Chủ trì, phối hợp với các địa phương sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét các dự án đầu tư, nâng cấp các cảng cá trọng điểm, phục vụ cho công tác thu mua, xác nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.

Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, xử lý tàu cá "03 không", đảm bảo hoàn thành trước ngày 20/11/2024; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Thứ ba, Bộ Quốc phòng: Chỉ đạo các lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển chủ trì, phối hợp với kiểm ngư và các lực lượng chấp pháp trên biển tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh với các nước thường xuyên có tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp.

Thứ tư, Bộ Công an tập trung chỉ đạo công an các lực lượng và công an 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển kiểm soát, điều tra, xử lý nghiêm tình trạng hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn quản lý không theo quy định pháp luật.

Thứ năm, Bộ Ngoại giao chỉ đạo Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại các nước có liên quan tăng cường hợp tác với nước sở tại trong việc chia sẻ, trao đổi thông tin bắt giữ, xử lý tàu cá, ngư dân Việt Nam. Thúc đẩy hợp tác song phương về chống khai thác IUU với các nước bắt giữ, xử lý tàu cá, ngư dân Việt Nam.

Thứ sáu, Bộ Tài chính ưu tiên bố trí kinh phí cho các ban, bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" theo quy định.

Thứ bảy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và nguồn vốn khác theo quy định để triển khai thực hiện Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ tám, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết bị VMS để đảm bảo chất lượng; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo tín hiệu kết nối VMS theo dõi, quản lý hoạt động tàu cá; xử lý nghiêm các đơn vị cung cấp dịch vụ không đảm bảo theo quy định.

Thứ chín, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của địa phương mình.

Thứ mười, các Hội, Hiệp hội thủy sản và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ban hành nội quy quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải tuân thủ quy định về chống khai thác IUU; nghiêm cấm hành vi thu mua, chế biến, xuất khẩu sản phẩm thủy sản khai thác vi phạm IUU. Xây dựng chuỗi liên kết trong thu mua, chế biến, xuất khẩu, không vi phạm IUU.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra