Không tăng giá, BV có nguy cơ đóng cửa?
Rất nhiều ý kiến cho rằng, mức thu viện phí như hiện nay là quá thấp, chưa được điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong số hơn 3.000 dịch vụ y tế đang được thực hiện có khoảng 350 dịch vụ được ban hành khung giá từ năm 1995 đến nay đã 16 năm vẫn chưa được điều chỉnh. Khoảng 2.650 dịch vụ được ban hành khung giá từ tháng 1.2006 đến nay đã gần 6 năm cần phải điều chỉnh.
“Viện phí thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi, phần nào được Nhà nước đầu tư và đã chi thì không được tính vào giá dịch vụ; phần nào Nhà nước không chi thì phải huy động sự đóng góp của người bệnh thông qua BHYT và đóng góp trực tiếp của người dân”. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, nếu không điều chỉnh giá của các dịch vụ ban hành từ 1995 thì các BV, nhất là các BV tuyến huyện sẽ có nguy cơ đóng cửa. Ví dụ, 1 BV tuyến huyện quy mô khoảng 100 giường bệnh, hiện nay thu tiền khám bệnh 1.000-2.000 đồng/lần khám; 1 ngày có khoảng 150 người bệnh khám thu được 300.000 đồng. Tổng cộng 1,2 triệu đồng trong khi đó riêng tiền điện, nước, xử lý chất thải để vận hành BV đã hết khoảng 3-5 triệu đồng/ngày.
TS. Đoàn Hữu Nghị, Giám đốc BV E cho rằng: “Nhiều BV đã quá bức xúc muốn đổi mới cơ chế hoạt động tài chính vì nếu không đổi mới thì sẽ dẫn đến tình trạng hoạt động bế tắc, trì trệ. Hiện tượng chảy máu chất xám tiếp tục ngày càng phổ biến, các bác sĩ chuyển hết sang BV tư nhân hoạt động gây khó khăn không ít cho các cơ sở y tế công lập”.
Ông Trương Quý Dương, GĐ BV tỉnh Hòa Bình nói: “Nhiều người đặt câu hỏi: BV nào cũng kêu lỗ nhưng vẫn tồn tại; kêu khó khăn thu không đủ chi nhưng vẫn có thưởng cho cán bộ y tế? Thực tế đó là có thật nhưng BV nếu chỉ tồn tại thì chất lượng phục vụ chắc chắn sẽ khác các BV phát triển, lỗ là thế vẫn phải lo chi trả đầy đủ, đảm bảo đời sống cho cán bộ nếu không cán bộ đi hết. Tăng giá dịch vụ y tế, người dân có thể có khó khăn nhưng nếu không tăng bản thân người dân lại chịu thiệt thòi nhất, nhiễm khuẩn BV có nơi tới 30-40% bệnh nhân phải gánh”.
Tăng giá dịch vụ y tế là cần thiết nhưng theo ông Nguyễn Văn Hòa, BV tỉnh Nam Định cần thực hiện công bằng trong việc chi trả BHYT, người dân đóng như nhau phải được hưởng công bằng các dịch vụ. “Thực tế hiện nay đã có sự mất công bằng rõ ràng trong việc chi trả BHYT cho các BV. Ví dụ 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình chỉ cách nhau 1km nhưng bệnh nhân nội trú Thái Bình được thanh toán 3,1 triệu đồng nhưng cũng bệnh nhân đó tại Nam Định chỉ được 2 triệu đồng”- ông Hòa bày tỏ.
Đề xuất tăng giá 350 dịch vụ y tế
Theo đề xuất của Bộ Y tế, việc điều chỉnh viện phí sẽ tập trung vào khung giá của 350 dịch vụ trong tổng số 3.000 dịch vụ mà các BV đang thực hiện. Bộ Y tế cho rằng, việc tăng này là tăng so với mức thu quy định tại Thông tư 14 ban hành năm 1995 chứ không phải là tăng so với chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ tính theo thời giá của năm 1995.
Cụ thể, đối với giá dịch vụ KCB, mức thu quy định tại Thông tư 14 chỉ từ 500-3.000 đồng/lần khám sẽ được điều chỉnh tăng lên từ 6.000-25.000 đồng/lần khám tùy theo từng hạng BV và chuyên khoa sẽ có mức phù hợp. Mức tăng tối đa là 22.000 đồng/lần khám với BV hạng I, đặc biệt và tối thiểu là 5.000 đồng/lần khám với trạm y tế xã. Đối với ngày giường điều trị nội trú, hiện đang thu từ 4.000-18.000 đồng đối với BV hạng I, từ 2.500-16.000 đồng với BV hạng II… dự kiến mức điều chỉnh cho GB ở tuyến xã sẽ từ 10.000-15.000 đồng/ngày; GB hồi sức cấp cứu từ 30.000-120.000 đồng/ngày; giường điều trị nội khoa từ 20.000-100.000 đồng/ngày; giường điều trị ngoại khoa, bỏng từ 25.000-240.000 đồng/ngày…
Tuy nhiên, Bộ Y tế trấn an rằng, việc điều chỉnh lần này không làm ảnh hưởng nhiều đến 53 triệu người đã có thẻ BHYT. Bộ Y tế cũng đề xuất hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn, quy định các BV trích một phần nguồn thu để lập Quỹ hỗ trợ cho một số trường hợp khó khăn.
Đại diện Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ này cũng cho rằng, nâng giá dịch vụ y tế là cần thiết, Nhà nước sẽ tăng cường đầu tư cho y tế một cách tổng thể, chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn. Thầy thuốc chỉ chuyên tâm chữa bệnh mà không phải lo “giật gấu vá vai”./.
Theo Dương Hải (Lao động)