Sẽ kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân tại 5 bộ, 11 tỉnh, thành phố

Thứ ba, 08/08/2023 15:29
(ThanhtraVietNam) - Đó là các bộ, cơ quang ngang bộ: Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Ngân hàng Nhà nước và các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Tháp và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được Thanh tra Chính phủ kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong công tác tiếp công dân (TCD) theo Kế hoạch 1589/KH-TTCP.

Kế hoạch 1589/KH-TTCP về việc kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong công tác TCD do Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 13/7/2023.

leftcenterrightdel
 Ban Tiếp công dân Trung ương làm việc với địa phương về công tác tiếp công dân. Ảnh: Thainguyen.gov.vn

Kiểm tra 06 nội dung theo phương thức tự kiểm tra và kiểm tra trực tiếp

Kế hoạch cũng nêu rõ yêu cầu, hoạt động kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong công tác TCD phải thực hiện đúng trách nhiệm, nội dung, phương thức được quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP; đảm bảo hiệu quả, chính xác, khách quan.       

Theo đó, nội dung kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong công tác TCD (theo quy định của Luật TCD năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành), bao gồm: Trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác TCD (Ban hành các văn bản chỉ đạo, báo cáo kết quả; bố trí trụ sở, địa điểm, cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo cho hoạt động TCD; phân công cán bộ, công chức làm công tác TCD thường xuyên; phối hợp, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có trách nhiệm thuộc quyền quản lý trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về TCD hay trách nhiệm bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động TCD).

Về nội dung kiểm tra việc thực hiện TCD đột xuất trong các trường hợp: Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, còn kiểm tra nội dung liên quan tới: Việc thực hiện TCD thường xuyên; việc thực hiện TCD định kỳ của người đứng đầu; việc trả lời, xử lý kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân trong và sau khi TCD; xử lý vi phạm pháp luật về TCD.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh tiến hành kiểm tra tình hình thi hành các quy định pháp luật về trách nhiệm TCD của Thủ trưởng các cơ quan thuộc quyền quản lý, phát hiện khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong thi hành pháp luật và hạn chế, bất cập của quy định pháp luật; trường hợp cần thiết có thể tổ chức kiểm tra theo quy định; báo cáo bằng văn bản về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác TCD theo đề cương của Thanh tra Chính phủ.

Riêng Ban TCD Trung ương sẽ tự kiểm tra và có báo cáo về công tác TCD tại Trụ sở TCD Trung ương.

leftcenterrightdel
Lịch kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật của Tổ công tác. Ảnh: L.A

Kiểm tra trực tiếp tại 5 bộ, 11 tỉnh

Thanh tra Chính phủ tổ chức kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tại các bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài chính; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Công thương; Ngân hàng Nhà nước; Bắc Ninh; Thái Bình; Vĩnh Phúc; Phú Thọ; Lâm Đồng; Đắk Lắk; Đắk Nông; Thành phố Hồ Chí Minh; Bình Dương; Tây Ninh và Đồng Tháp.

Thời gian kiểm tra mỗi cơ quan, đơn vị không quá 01 ngày làm việc (trong Quý III năm 2023) tại trụ sở cơ quan được kiểm tra; thời gian chốt số liệu báo cáo theo Đề cương, phụ lục tính từ ngày 01/01/2021 đến 30/6/2023.

Lãnh đạo Vụ Pháp chế làm Tổ trưởng Tổ công tác do Thanh tra Chính phủ thành lập để tiến hành kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác TCD. Tổ công tác gồm 05 - 07 thành viên, gồm các công chức của Vụ Pháp chế và đại diện các cục phụ trách địa bàn và đơn vị có liên quan (Cục I, II, III).

 

ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT

VỀ TIẾP CÔNG DÂN

(ban hành kèm theo Kế hoạch số 1589/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ)

I.       CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1.       Công tác tuyên truyền, quán triệt Luật TCD năm 2013, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành (đề nghị báo cáo số lượng/các hình thức tuyên truyền; đối tượng, số lượt người được tuyên truyền..).

2.       Rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định, hướng dẫn công tác TCD (nêu rõ tên văn bản, số lượng văn bản; tính kịp thời, đầy đủ và tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của văn bản; những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân).

3.       Tổ chức triển khai, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trực thuộc, cấp chính quyền thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện các quy định pháp luật về TCD (công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị trực thuộc và cấp chính quyền trực thuộc; nêu rõ hình thức, số lượng văn bản - nếu có).       

II. TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1.       Tình hình công tác TCD 

(Đề nghị báo cáo tổng hợp chung của Bộ ngành, địa phương và ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ ngành, địa phương mình quản lý).

-        Tình hình công tác TCD (số lượng/số lượt công dân; tiếp nhận, phân loại đơn; số lượng đơn thư có căn cứ để xử lý theo thủ tục giải quyết khiếu nại/tố cáo/kiến nghị, phản ánh; đơn thư không đủ căn cứ thụ lý,...).

-        Đánh giá kết quả công tác TCD trong kỳ báo cáo (thống kê số liệu).

-        Đánh giá tình hình chấp hành pháp luật của công dân (tình hình vi phạm pháp luật tại nơi TCD - nếu có).

2.       Tình hình thi hành các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác TCD

a) Trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác TCD của cơ quan, tổ chức, đơn vị:

-        Ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện pháp luật về TCD, nội quy, quy chế TCD;

-        Bố trí trụ sở, địa điểm, cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo cho hoạt động TCD;

-        Phân công cán bộ, công chức làm công tác TCD thường xuyên;

-        Phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trong công tác TCD và xử lý vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung;

-        Kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có trách nhiệm thuộc quyền quản lý trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về TCD;

-        Trách nhiệm bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động TCD;

-        Trách nhiệm báo cáo tình hình, kết quả công tác TCD với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

b) Việc thực hiện trách nhiệm TCD định kỳ của người đứng đầu.

c) Việc thực hiện trách nhiệm TCD đột xuất của người đứng đầu.

d) Việc trả lời công dân theo quy định.

đ) Xử lý vi phạm pháp luật về TCD (nếu có).

3.       Nhận định, đánh giá về tình hình thi hành pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác TCD

-        Nhận định chung.

-        Nhận định về thi hành các quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác TCD.

-        Nêu rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân.

III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1.       Các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về TCD

-        Công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

-        Việc tổ chức triển khai thực hiện các quy định.

-        Các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tập huấn, phổ biến pháp luật; bảo đảm về tổ chức, biên chế, kinh phí và các điều kiện khác cho thi hành pháp luật.

-        Hoàn thiện chế độ trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác TCD.

2.       Giải pháp hoàn thiện thể chế, pháp luật

-        Những quy định bất cập, cần bãi bỏ/sửa đổi, bổ sung.

-        Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng/vai trò người đứng đầu trong công tác TCD.

3.       Kiến nghị khác (nếu có).

 

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra