Tạp chí Thanh tra - 45 năm nỗ lực không ngừng, vững bước phát triển

Thứ năm, 19/10/2023 14:47
(ThanhtraVietNam) - 45 năm qua là cả một chặng đường phấn đấu liên tục, bền bỉ của Tạp chí Thanh tra để từng bước khẳng định vị thế, uy tín của tờ báo ngành Thanh tra trong làng báo chí cách mạng Việt Nam, cũng như giành được sự yêu mến, tin cậy của bạn đọc trên khắp mọi miền Tổ quốc. Sự ra đời, tồn tại và phát triển như ngày nay, đồng thời đang hứa hẹn những bước tiến mới đã minh chứng cho sức bền vững của Tạp chí Thanh tra.

Để đáp ứng yêu cầu khách quan đòi hỏi của việc thống nhất chỉ đạo hoạt động thanh tra trên phạm vi cả nước, đầu năm 1978, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ đã thảo luận chủ trương và đến ngày 19/7/1978 chính thức đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất bản Tạp chí Thanh tra. Ba tháng sau, ngày 18/10/1978, Chính phủ đã ra Quyết định số 4311-VP9 cho phép xuất bản Tạp chí Thanh tra, đánh dấu sự ra đời cơ quan nghiên cứu, lý luận, thông tin, tuyên truyền đầu tiên của ngành Thanh tra. 45 năm qua là cả một chặng đường phấn đấu liên tục, bền bỉ của Tạp chí Thanh tra để từng bước khẳng định vị thế, uy tín của tờ báo ngành Thanh tra trong làng báo chí cách mạng Việt Nam, cũng như giành được sự yêu mến, tin cậy của bạn đọc trên khắp mọi miền Tổ quốc. Sự ra đời, tồn tại và phát triển như ngày nay, đồng thời đang hứa hẹn những bước tiến mới đã minh chứng cho sức bền vững của Tạp chí Thanh tra.

Những bước đi đầu tiên…

Tháng 5/1979, sau một thời gian tích cực chuẩn bị, số Tạp chí Thanh tra đầu tiên đã được xuất bản, lưu hành. Đây là số 1, phát hành cho tháng 3 và tháng 4 năm 1979. Mặc dù thời gian đầu còn nhiều khó khăn về mọi mặt, song Tạp chí Thanh tra đã nỗ lực cố gắng tăng kỳ hạn xuất bản, từ 2 tháng 1 số (năm 1979) lên 1 tháng 1 số (năm 1982), với các chuyên mục chính như: Hướng dẫn công tác và nghiên cứu; Trao đổi kinh nghiệm, Tìm hiểu chính sách pháp luật; Thông tin trong ngành, Văn kiện, tư liệu; Diễn đàn Thanh tra; Tham khảo kinh nghiệm của các nước anh em. Ở thời kỳ đầu, nội dung của Tạp chí Thanh tra chủ yếu là truyền tải tinh thần, quan điểm của thanh tra, đồng thời tạo diễn đàn để những người làm công tác thanh tra trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn và kỹ năng công tác. Đáng chú ý, ngay từ những ngày đầu gia nhập làng báo chí cách mạng, Tạp chí Thanh tra đã tạo được tiếng vang với những bài viết đấu tranh trực diện với những sai phạm, tiêu cực. Những bài viết này thể hiện rõ tính chiến đấu của Tạp chí mà càng về sau càng được khẳng định và được coi như tôn chỉ mục đích, bản sắc của Tạp chí Thanh tra, đưa Tạp chí Thanh tra trở thành một trong những cơ quan báo chí đi đầu trên mặt trận chống tiêu cực.

Năm 1990, cùng với sự ra đời của Pháp lệnh Thanh tra, Tạp chí Thanh tra đã bám sát những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành cũng như sự đổi mới về tổ chức trong hệ thống các cơ quan thanh tra. Các bài viết của Tạp chí Thanh tra đề cập nhiều hơn đến những vấn đề lớn đặt ra đối với ngành Thanh tra, đặc biệt là nghiên cứu về phương pháp thanh tra, nghiệp vụ thanh tra, các mối quan hệ trong tổ chức chỉ đạo, điều hành… Ngoài ra, Tạp chí Thanh tra cũng đăng tải hàng loạt bài viết về các vụ việc khiếu nại, tố cáo đã góp phần minh oan cho nhiều trường hợp được dư luận đồng tình và ủng hộ. Từ năm 1992, được sự cho phép của Bộ Văn hóa – Thông tin và Thể thao, Thanh tra Nhà nước cho xuất bản tờ Báo Thanh tra cũng do Tòa soạn Tạp chí Thanh tra đảm nhiệm. Tuy nhiên, do biên chế có hạn và phải kiêm nhiệm cả việc xuất bản Báo Thanh tra, thời kỳ này, Tạp chí Thanh tra ra 3 tháng 1 kỳ với 32 trang. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, củng cố, tăng cường hoạt động báo chí của Ngành, từ tháng 1/1994, Tổng Thanh tra Nhà nước quyết định tách Tạp chí Thanh tra và Báo Thanh tra thành 2 cơ quan độc lập.

leftcenterrightdel
 Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Thị Thủy chụp ảnh lưu niệm với Tạp chí Thanh tra, ngày 18/5/2016. Ảnh: PV

Giai đoạn từ năm 1994 - 2003 là giai đoạn ngành Thanh tra có những chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới tổ chức và chỉ đạo hoạt động, hoàn thiện thể chế pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng. Tạp chí Thanh tra cũng có những thành tích vượt bậc về nhiều mặt. Từ đầu năm 1994, Tạp chí Thanh tra bắt đầu duy trì thời hạn phát hành mỗi tháng một kỳ. Số trang tăng từ 32 trang lên 42 trang. Ngoài ra, Tạp chí còn xuất bản các số chuyên đề và số đặc biệt phục vụ kịp thời cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác quan trọng của Ngành, của Tạp chí. Thời kỳ này, tính chính trị trong các bài viết đăng tải trên Tạp chí ngày càng được nâng cao. Tạp chí thường xuyên đăng tải các bài viết mang tính chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của các đồng chí lãnh đạo Thanh tra Nhà nước, các đồng chí Bộ trưởng, Bí thư tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, lãnh đạo các ngành, địa phương về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và chống tham nhũng. Tính lý luận trong nội dung của Tạp chí Thanh tra cũng được tăng cường, phát triển. Các bài viết mang tính lý luận và nghiệp vụ chiếm tỷ lệ từ 60 – 70% nội dung của từng số Tạp chí. Qua nội dung của các bài viết ở chuyên mục “nghiên cứu – trao đổi”, Tạp chí đã đề cập và lý giải được nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn bức xúc đặt ra trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và chống tham nhũng, góp phần quan trọng và thiết thực vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật cũng như việc đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra, tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và chống tham nhũng.

…Phép thử cho tinh thần năng động, sáng tạo

Từ ngày 01/01/2004, Tạp chí Thanh tra đã chuyển sang hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm 1 phần kinh phí. Phát triển trong cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Tạp chí Thanh tra đã gặp không ít những khó khăn, thử thách. Song cơ chế thị trường có phần khắc nghiệt cũng chính là phép thử cho tinh thần năng động, sáng tạo của tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Thanh tra. Vững vàng trong cơ chế mới, Tạp chí Thanh tra đã không ngừng nỗ lực để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Từ 03 cán bộ ngày đầu thành lập, năm 1997, Tổng Thanh tra Nhà nước ra quyết định thành lập Ban Biên tập và Ban Trị sự. Được sự đồng ý của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, ngày 15/6/2005, Hội đồng biên tập của Tạp chí Thanh tra đã chính thức ra mắt với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ và các chuyên gia đầu ngành, qua đó tạo đà cho Tạp chí Thanh tra tiếp tục có những bước phát triển mới, nâng cao vị thế của Tạp chí Thanh tra cũng như chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền của Tạp chí.

Ngày 27/8/2007, Tổng Thanh tra đã ra Quyết định số 1795/2007/QĐ-TTCP về việc ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức hoạt động của Tạp chí Thanh tra. Đây có thể nói là lần đầu tiên tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tạp chí Thanh tra được quy chế hóa, được thể chế hóa một cách rõ ràng, cụ thể trong một văn bản quy phạm pháp luật cấp ngành. Qua đó, tạo cơ sở, điều kiện pháp lý thuận lợi để Tạp chí Thanh tra tiếp tục củng cố và phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.  Đến tháng 4/2014, để phù hợp với các quy định của Nghị định 83/2012/NĐ-CP, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 873/QĐ-TTCP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, hoạt động của Tạp chí Thanh tra. Lúc này, các đơn vị trực thuộc Tạp chí Thanh tra gồm có: Phòng Trị sự, Phòng Phóng viên & Biên tập, Văn phòng Đại diện của Tạp chí Thanh tra ở khu vực phía Nam đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2016, thực hiện Quyết định số 2702/QĐ-TTCP ngày 11/10/2016 của Tổng Thanh tra Chính phủ, Tạp chí Thanh tra thành lập thêm Phòng Truyền thông & Phát hành để quản lý, tổ chức công tác truyền thông khai thác quảng cáo và công tác xuất bản, phát hành Tạp chí hàng tháng. Tuy nhiên, đến năm 2021, để thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, theo Quyết định số 441/QĐ-TTCP ngày 13/8/2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ, cơ cấu tổ chức của Tạp chí Thanh tra có 02 Phòng là: Phòng Trị sự và Phòng Phóng viên - Biên tập (sáp nhập từ các Phòng: Phóng viên & Biên tập; Văn phòng đại diện phía Nam và Truyền thông & Phát hành). Lãnh đạo đơn vị cũng đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, đến nay, về cơ bản đã kiện toàn đủ đội ngũ lãnh đạo cấp phòng và tổ chức phân công, bố trí công tác đối với viên chức, người lao động trong đơn vị hợp lý.

Thời gian qua, Tạp chí Thanh tra cũng tiếp tục duy trì củng cố và xây dựng, phát triển và mở rộng đội ngũ cộng tác viên. Đến nay, số lượng cộng tác viên của Tạp chí đã nâng lên đáng kể (hơn 1000 người) với chất lượng ngày càng gia tăng. Trong đó, nhiều cộng tác viên là lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị của Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo cơ quan nhà nước, thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã có sự cộng tác ngày càng chặt chẽ, thường xuyên hơn. Đặc biệt, sự tham gia cộng tác tích cực của nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành có tên tuổi như: Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, PGS.TS Lê Văn Cường; PGS.TS Trương Thị Hồng Hà, PGS.TS. Nguyễn Viết Thảo; TS. Lê Trung Kiên; TS. Mai Văn Duẩn; TS. Lê Thị Hoa; TS. Nhà báo Trần Bá Dung; TS. Vi Thị Hương Lan; Chánh Thanh tra Bộ Công an, Trung tướng Trần Đức Tuấn; Thượng tá, TS. Nguyễn Cao Sơn… đã tạo cho Tạp chí một diện mạo mới, một vị thế mới trong báo giới và trong lòng người đọc. Đây cũng chính là những cơ sở quan trọng để Tạp chí Thanh tra thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, với những bước cải tiến và nâng cao thêm một bước chất lượng các ấn phẩm cả về nội dung và hình thức.

Ngoài công tác chuyên môn, Tạp chí Thanh tra cũng thường xuyên chú trọng đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, luôn phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, gương mẫu đi đầu, không ngừng phấn đấu xây dựng đơn vị ngày càng phát triển vượt bậc. Chi bộ Tạp chí Thanh tra nhiều năm liền đều đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch, vững mạnh. Chi hội Nhà báo Tạp chí Thanh tra hiện có 25 thành viên, đã được cấp thẻ Hội viên Hội Nhà báo. Công đoàn Tạp chí Thanh tra là một trong những đơn vị đi đầu trong các hoạt động phong trào của Công đoàn Thanh tra Chính phủ. Bên cạnh đó, lực lượng phóng viên, biên tập viên Tạp chí Thanh tra còn thực hiện tốt những nhiệm vụ khác do lãnh đạo Thanh tra Chính phủ giao cho như: Tham gia công tác xây dựng pháp luật, nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công tác thi đua, tuyên truyền phổ biến pháp luật của Ngành. Tạp chí Thanh tra cũng từng bước tạo dựng được hình ảnh đẹp của đơn vị và toàn Ngành trong các hoạt động thiện nguyện như tổ chức các chương trình từ thiện khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho người nghèo và các cháu học sinh nghèo vượt khó.

Bắt nhịp xu thế mới

Cùng với xu thế phát triển phiên bản điện tử của nhiều tờ báo, năm 2010, được sự hỗ trợ của Chương trình Poscis, Tạp chí Thanh tra đã chính thức ra mắt trang điện tử Thanhtravietnam.vn. Thông qua trang điện tử Thanhtravietnam.vn, Tạp chí Thanh tra đã tổ chức nhiều cuộc Giao lưu trực tuyến thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo cán bộ trong và ngoài ngành, các cơ quan truyền thông, báo chí, doanh nghiệp và người dân.

Ngày 30/12/2016, Tạp chí điện tử Thanh tra đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép chính thức đi vào hoạt động thay thế Trang điện tử Thanhtravietnam.vn trước đây. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển về chất của Tòa soạn Tạp chí Thanh tra. Với ấn phẩm điện tử, Tạp chí Thanh tra đã xây dựng được một website hấp dẫn đối với bạn đọc thuộc nhiều lứa tuổi, ngành nghề, vị trí xã hội... khác nhau, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Qua 13 năm (2010-2023), ấn phẩm Tạp chí điện tử Thanh tra đã trở thành một diễn dàn thực sự sôi nổi để cán bộ trong, ngoài ngành và người dân thảo luận, góp ý về việc hoàn thiện thể chế pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, về những vấn đề quan tâm khác có liên quan đến hoạt động của ngành Thanh tra. Đồng thời, trở thành một kênh hữu dụng để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân tiếp cận các thông tin về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, qua đó góp phần nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý và phát huy quyền dân chủ của nhân dân. Đặc biệt, Tạp chí điện tử Thanh tra còn đăng tải nhiều bài viết phóng sự điều tra có chất lượng, tầm ảnh hưởng và phạm vi lớn, được dư luận xã hội đánh giá cao. Theo thống kê, năm 2022, tổng số tin, bài đăng tải trên Tạp chí điện tử Thanh tra đạt hơn 4.300 tin/bài, trong đó có hơn 1.400 tin/bài trong ngành. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, Tạp chí điện tử Thanh tra đã đăng tải gần 1.700 tin, bài, số lượng các tin, bài trong ngành cũng tăng lên đáng kể.

leftcenterrightdel
 Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chúc mừng Tạp chí Thanh tra vào dịp kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: LA

Những năm gần đây, Tạp chí Thanh tra duy trì số lượng phát hành ấn phẩm in hàng ngàn cuốn mỗi tháng, số trang tăng từ 48 lên 71 trang, đồng thời nâng chất lượng giấy in từ loại giấy oppset sang giấy couche matt in 4 màu toàn bộ. Đáng chú ý, Tạp chí Thanh tra đã có những thay đổi đáng kể về diện mạo, với những cải tiến nhằm bắt kịp xu thế làm báo hiện đại. Tạp chí đã cộng tác với nhiều nhiếp ảnh gia, khai thác ảnh đạt giải cao ở các cuộc thi để minh họa cho các bài viết thêm sinh động, hấp dẫn. Các chuyên mục của Tạp chí Thanh tra cũng đã có sự thay đổi để không chỉ phù hợp với tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí mà còn phù hợp với thực tiễn, gồm: Chính luận, Nghiên cứu - Trao đổi, Tìm hiểu & Giải đáp pháp luật, Kinh nghiệm nước ngoài. Ngoài ấn phẩm truyền thống, Tạp chí còn xuất bản các số chuyên đề và số đặc biệt phục vụ kịp thời cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác quan trọng của Ngành, cũng như yêu cầu tuyên truyền cho các sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, chủ trì, phối hợp cùng các vụ, đơn vị trong và ngoài ngành tổ chức các cuộc Hội thảo, biên soạn, xuất bản nhiều đầu sách, tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tuyên truyền về công tác của Ngành. Các cuộc Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và cán bộ trong ngành Thanh tra, các cuốn sách, tài liệu do Tạp chí Thanh tra xuất bản đã nhận được sự đánh giá cao của các địa phương, cơ sở, qua đó, góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền của ngành Thanh tra Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chúc mừng Tạp chí Thanh tra vào dịp kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: LA

Trải qua 45 năm (1978-2023), Tạp chí Thanh tra - cơ quan báo chí đầu tiên của ngành Thanh tra đã không ngừng trưởng thành và phát triển, những kết quả mà Tạp chí đạt được đã góp phần vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thanh tra Chính phủ, của ngành Thanh tra. Tạp chí Thanh tra cũng vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1998), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2008), Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2004, 2020), Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ (năm 2005, 2010, 2015, 2017, 2020), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2012); Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ (năm 2003, 2007, 2012, 2013, 2014, 2021), các tập thể: Phòng Phóng viên - Biên tập, Phòng Trị sự và nhiều phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Tạp chí Thanh tra cũng được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý của ngành Thanh tra. Đó không chỉ là sự động viên, khích lệ tinh thần to lớn đối với các thế hệ phóng viên, biên tập viên, nhân viên Tạp chí Thanh tra mà còn là minh chứng cho quá trình đổi mới và phát triển liên tục của đơn vị trên chặng đường 45 năm đã qua.

Xây dựng cơ quan báo chí chuyên nghiệp, hiện đại

Là một đơn vị tự đảm bảo một phần kinh phí, Tạp chí Thanh tra không nằm ngoài ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường và những áp lực để vừa duy trì nguồn thu trong điều kiện hoạt động kinh tế báo chí còn nhiều sự cạnh tranh, vừa nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ công tác tuyên truyền, hoạt động đúng pháp luật, giữ vững tôn chỉ, mục đích và uy tín, bản sắc riêng. Những thách thức đặt ra đối với Tạp chí Thanh tra không hề nhỏ. Do đó, để tiếp tục phục vụ tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của ngành và nhu cầu của độc giả, Tạp chí Thanh tra cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam; tăng cường phối hợp với các cơ quan Thanh tra bộ, ngành, địa phương để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Tăng cường các bài viết chỉ đạo, định hướng công tác toàn ngành của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, các bài viết có tính chất hướng dẫn, gợi mở về công tác, nghiệp vụ của Thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ. Tiếp tục thực hiện các bài viết theo 14 chuyên đề, đây là hướng đi phù hợp với định hướng nhiệm vụ công tác của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra, sẽ nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thực sự trở thành diễn đàn nghiên cứu, trao đổi. Qua đó, tạo điều kiện cho Thanh tra các Bộ, ngành, địa phương nắm được tinh thần, quan điểm chỉ đạo của ngành, tạo ra sự thống nhất cả về nhận thức và hành động trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và chống tham nhũng.

Hai là, đổi mới nội dung thông tin, tuyên truyền, chú trọng đăng tải các bài viết phản ánh về những vấn đề, nội dung có liên quan đến đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022. Tăng cường các bài viết tổng kết thực tiễn, kinh nghiệm về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, trong đó đi sâu vào tổng kết từng mặt, từng lĩnh vực đang được quan tâm hiện nay, đồng thời phân tích, làm rõ các nguyên nhân tồn tại, nêu ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác. Để qua đó vừa phục vụ tốt hơn cho việc hướng dẫn công tác chuyên môn, nghiệp vụ đối với các cán bộ trong ngành, cung cấp nhiều kinh nghiệm thiết thực, bổ ích và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác thanh tra ở các ngành, các địa phương, vừa đóng góp ý kiến vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, hoàn thiện hệ thống nghiệp vụ của ngành. Phấn đấu để Tạp chí Thanh tra thực sự trở thành địa chỉ thu thập, tổng hợp thông tin để cung cấp những luận cứ khoa học vững chắc cho quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra, xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Ba là, lãnh đạo đơn vị phải thường xuyên quan tâm giáo dục, định hướng về chính trị, tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ, công tác, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị cho phóng viên, biên tập viên, nhân viên của đơn vị. Đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; kiên quyết phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hoạt động báo chí và trong đội ngũ những người làm báo, kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiệu tiêu cực nhằm khẳng định vị trí và bản sắc riêng của một cơ quan báo chí ngành Thanh tra. Tập thể lãnh đạo đơn vị tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo, tạo điều kiện để phát huy hơn nữa năng lực của toàn thể phóng viên, biên tập viên, nhân viên trong đơn vị, phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự trưởng thành và phát triển của ngành Thanh tra trong giai đoạn tiếp theo.

Bốn là, với vai trò của cơ quan báo chí ngành Thanh tra, Tạp chí Thanh tra phải xác định không chỉ phục vụ cán bộ trong ngành mà còn thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng cho Nhân dân và toàn xã hội. Do đó, bên cạnh việc quan tâm đổi mới về nội dung, hình thức, Tạp chí Thanh tra cần quan tâm đổi mới phương thức truyền thông, phát hành Tạp chí để các ấn phẩm đến được với đông đảo bạn đọc ngoài Ngành, nhất là người dân ở cơ sở.

Năm là, tăng cường các giải pháp hiệu quả để thu hút, mở rộng đội ngũ cộng tác viên là những cán bộ trong ngành Thanh tra, những cán bộ công tác lâu năm có tích lũy nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thanh tra. Chú trọng tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cục, vụ, đơn vị của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, địa phương, phối kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động của Tạp chí với hoạt động nghiên cứu khoa học thanh tra để qua đó đưa kết quả nghiên cứu khóa học áp dụng vào thực tiễn. Các phóng viên phụ trách địa bàn cần tăng cường việc phối hợp, định hướng tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ cho cộng tác viên theo kế hoạch từng tháng, quý, năm để họ chủ động nghiên cứu, cộng tác với Tạp chí. Đồng thời, quán triệt việc sử dụng thẻ cộng tác viên bảo đảm hiệu quả, đúng mục đích hoạt động tác nghiệp.

Sáu là, thời gian tới, cùng với sự chuyển động mạnh mẽ của kỷ nguyên xã hội số, kinh tế số, Chính phủ số, chắc chắn tương lai báo chí chuyển đổi số còn dài, sẽ tiến triển qua nhiều chu kỳ, đòi hỏi các cơ quan báo chí nói chung và Tạp chí Thanh tra nói riêng phải nhanh chóng bắt nhịp với xu thế mới. Tạp chí Thanh tra cần bám sát vào các mục tiêu, yêu cầu của Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị.

Với những nền tảng quan trọng hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số từ Bộ Thông tin và Truyền thông đó là: Nền tảng quản lý tòa soạn điện tử; nền tảng phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội và nền tảng hỗ trợ phòng, chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thông thông tin của các cơ quan báo chí trên môi trường số, các cơ quan báo chí nói chung, Tạp chí Thanh tra nói riêng có đầy đủ cơ sở thực hiện có hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số. Song trước mắt, Tạp chí Thanh tra cần xây dựng chiến lược tổ chức, vận hành và quản lý hoạt động Tòa soạn theo mô hình Tòa soạn hội tụ. Trong đó, chú trọng xây dựng nền tảng quản lý tòa soạn điện tử, đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ quy trình, nghiệp vụ báo chí lên môi trường số, đẩy mạnh việc tích hợp đa phương tiện trong các tin/bài, tăng tính tương tác giữa Tạp chí và độc giả, giữa nhà báo với độc giả, giữa độc giả với độc giả… để góp phần nâng cao chất lượng nội dung Tạp chí.

Bên cạnh đó, Tạp chí Thanh tra cần tăng cường sự phối hợp, trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ báo chí, truyền thông với các Tòa soạn khác. Mỗi phóng viên, biên tập viên cần đổi mới tư duy làm báo hiện đại, tiếp tục trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tu dưỡng tư cách, đạo đức người làm báo và vận dụng linh hoạt công nghệ trong quá trình sản xuất tin/bài, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng Tạp chí Thanh tra thành cơ quan báo chí chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại./.

Ths. Đào Trung Kiên
Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra