Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hội nghị có mục tiêu là làm tốt hơn công tác truyền thông chính sách để người dân hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; người dân tự giác tham gia tổ chức thực hiện cùng với các cơ quan quản lý nhà nước. Sản phẩm từ hội nghị sẽ là ban hành một văn bản với hình thức, nội dung phù hợp và kết quả quan trọng là làm sao thống nhất nhận thức, hành động cho đúng, cho trúng, có hiệu quả, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc, Nhân dân.
|
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính . Ảnh: VGP Nhật Bắc |
Ưu tiên bố trí kinh phí hàng năm cho hoạt động truyền thông chính sách
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách được tổ chức ngày 24/11, các đại biểu đã nghe báo cáo, đưa ra các ý kiến đánh giá, phân tích tình hình thực tế, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và cả những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải và đề xuất các giải pháp, định hướng, nhiệm vụ để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách trong thời gian tới.
Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện đang có 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện của quốc gia, 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí và 64 đài phát thanh, truyền hình của các tỉnh, thành phố trực thuộc. Số lượng lao động trực tiếp làm báo trên toàn quốc hiện nay là hơn 60.000 người, trong đó gần 20.000 người được cấp thẻ nhà báo. Trong 3 năm gần đây, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kinh tế báo chí khó khăn do nguồn thu quảng cáo, dịch vụ giảm mạnh. Do đó, các cơ quan báo chí đang gặp nhiều khó khăn trong việc hỗ trợ tuyên truyền chủ trương chính sách.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay phần lớn các cơ quan báo chí đều là đơn vị tự chủ về tài chính và không có tiền thường xuyên từ ngân sách, cũng không có đặt hàng từ ngân sách. Các báo đài này dựa trên thị trường 100%. Theo ông Lâm, nguồn thu đang bị suy giảm mạnh, báo chí đang khó khăn, và vì thế mà cần hơn nữa đặt hàng từ Nhà nước cho báo chí.
|
|
Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính . Ảnh: VGP Nhật Bắc |
Về bố trí kinh phí cho hoạt động truyền thông chính sách, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và được bố trí trong dự toán của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức đoàn thể ở Trung ương, UBND các cấp theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Hoạt động truyền thông chính sách gắn liền với các hoạt động liên quan của các đơn vị, Ngân sách Nhà nước (NSNN) bố trí cho các nhiệm vụ này được lồng ghép trong kinh phí thực hiện các chương trình, đề án và hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị.
Việc đặt hàng truyền thông chính sách trên thực tế đã có, nhưng chưa đủ, hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu do NSNN còn eo hẹp. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để tăng nguồn NSNN đối với các cơ quan truyền thông chính sách của Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu trên cơ sở dự toán chi thường xuyên NSNN, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chủ động ưu tiên bố trí kinh phí hàng năm cho hoạt động truyền thông chính sách. Đồng thời, chủ động huy động từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện hoạt động truyền thông chính sách.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay, Bộ Tài chính đang trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật NSNN và sẽ tiếp thu kiến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông về chi ngân sách cho truyền thông chính sách.
Làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại công tác truyền thông chính sách có vai trò rất quan trọng, là một trong những chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Chính phủ và các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị. Truyền thông chính sách góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, góp phần thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, “làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách”.
Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được công tác truyền thông chính sách còn bất cập. Nhận thức của các cấp, các ngành về công tác này còn chưa tương xứng với nhiệm vụ. Chưa chủ động, sáng tạo, linh hoạt cung cấp thông tin, chất liệu cho truyền thông. Một số chủ trương, chính sách đúng nhưng chưa truyền thông tốt, người dân chưa hiểu hết nên thực hiện còn khó khăn. "Chúng ta truyền thông tốt để tạo niềm tin thì mọi người thấy rằng làm thế là đúng và phải làm, không làm không được, xử lý người sai để bảo vệ người đúng, Nhà nước bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân trong bất cứ hoàn cảnh nào", Thủ tướng nhấn mạnh.
|
|
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP Nhật Bắc |
Thời gian tới, nhiệm vụ được giao rất nặng nề, trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, đòi hỏi công tác truyền thông cần quán triệt đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để tổ chức thực hiện tốt. Thủ tướng cho rằng, phải làm truyền thông cả trước, trong và sau ban hành chính sách. Tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý phản biện chính sách. Thúc đẩy, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật; đồng thời bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân.
Thủ tướng yêu cầu, phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, vị trí của công tác truyền thông chính sách, "từ nhận thức thì phải hành động, hành động thì phải nỗ lực, quyết liệt". Phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về truyền thông chính sách, sát với tình hình thực tiễn, với điều kiện, khả năng, bối cảnh của đất nước. Cần chủ động cung cấp thông tin trung thực, khách quan. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông chính sách. Không nên chỉ coi truyền thông chính sách là công việc của các cơ quan báo chí, truyền thông. "Muốn truyền thông mà các bộ, ngành, địa phương ngại cung cấp thông tin thì lấy chất liệu đâu mà truyền thông", Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới, để giúp Chính phủ xây dựng thành công chính sách, tiếp tục hoàn thiện chính sách, đánh giá chính sách và giám sát việc thực hiện chính sách theo nhiều chiều, khía cạnh khác nhau.
Về bố trí kinh phí cho hoạt động truyền thông chính sách, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương phải đưa vào chi ngân sách thường xuyên, các bộ, cơ quan Trung ương ưu tiên bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông chính sách và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách, bảo đảm đúng quy định pháp luật.