Quảng Nam xây dựng quy trình thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra

Thứ sáu, 05/01/2024 15:56
(ThanhtraVietNam) - Thực tiễn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh tra tại Quảng Nam vào những năm gần đây cho thấy, nhiều kết luận, kiến nghị thanh tra được ban hành có chất lượng chưa khả thi; chưa có nhiều kiến nghị về hoàn thiện cơ chế chính sách, mà chủ yếu tập trung vào xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân và kiến nghị về kinh tế dẫn tới đối tượng thanh tra chưa “tâm phục - khẩu phục”. Có một số kết luận thanh tra chất lượng còn thấp, ít kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách, pháp luật; việc kiến nghị, xem xét trách nhiệm kỷ luật còn chung chung, thiếu cụ thể.

Để đảm bảo hiệu quả hoạt động của Đoàn thanh tra cần nâng cao nhận thức và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về kết luận thanh tra. Vì vậy, chất lượng của kết luận thanh tra ảnh hưởng rất lớn đến hiệu lực thực hiện các kiến nghị và quyết định xử lý, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả cuộc thanh tra. Do đó, công tác thẩm định dự thảo kết luận thanh tra rất quan trọng đối với một kết luận thanh tra.

leftcenterrightdel
Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra là việc xem xét, đánh giá để đưa ra nhận xét, kiến nghị nhằm hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra. Ảnh minh họa, nguồn: ITN 

Trong trường hợp cần thiết, người thực hiện thẩm định làm việc trực tiếp với Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra để làm rõ thêm về nội dung của dự thảo Kết luận thanh tra. Điều này ở một số cuộc thanh tra, căn cứ pháp lý quan trọng để kết luận, kiến nghị đó là hệ thống các chứng cứ có trong hồ sơ của cuộc thanh tra; song các chứng cứ được phát hiện, thu thập, kiểm tra, đánh giá, xác minh… ở các cuộc thanh tra đôi lúc vừa yếu, vừa thiếu, dẫn đến kết luận, kiến nghị của cuộc thanh tra chưa đủ khách quan.

Tại Điều 77 Luật Thanh tra năm 2022 có quy định về việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra. Tuy nhiên, quy trình thẩm định dự thảo kết luận thanh tra hiện nay vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và chưa nêu rõ được vị trí của Tổ trưởng Tổ thẩm định dự thảo kết luận thanh tra.

Do đó, Quy trình thẩm định dự thảo kết luận thanh tra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được xây dựng trên cơ sở Luật Thanh tra năm 2022; Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra giúp Tổ trưởng Tổ thẩm định dự thảo kết luận thanh tra nắm đầy đủ các nguyên tắc về thẩm định đảm bảo đúng phạm vi thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; đánh giá, kết luận phải khách quan, công bằng, tôn trọng quyền của các chủ thể có liên quan.

Nhằm giúp cho Chánh Thanh tra tỉnh xem xét, đánh giá để đưa ra kiến nghị tại kết luận thanh tra, hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra đảm bảo chính xác, khách quan, phù hợp các quy định của pháp luật; đảm bảo nguyên tắc của hoạt động thanh tra được thực hiện đúng pháp luật, đúng mục đích; tuân thủ thống nhất, kịp thời, có hệ thống, chặt chẽ, đầy đủ các nội dung yêu cầu theo đúng kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt; bảo đảm các thông tin, tài liệu được cập nhật, lưu trữ trong hồ sơ thanh tra khoa học; quản lý theo dõi lưu trữ theo quy định. Do đó, để nâng cao hiệu quả, chất lượng đối với các cuộc thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra cần thực hiện đúng theo quy trình:

Bước 1: Chuẩn bị thẩm định dự thảo kết luận thanh tra

Khi nhận được dự thảo kết luận thanh tra, Chánh Thanh tra tỉnh giao cho Phòng nghiệp vụ tham mưu cho Chánh Thanh tra tỉnh ban hành Quyết định thành lập Tổ thẩm định dự thảo kết luận thanh tra (gọi tắt là Tổ thẩm định). Theo đó, một trong các thành viên của Tổ là người đã thực hiện giám sát hoạt động đoàn thanh tra của cuộc thanh tra được giao thẩm định.

Tổ thẩm định gửi Công văn yêu cầu Đoàn thanh tra bàn giao các tài liệu có nội dung được ghi trong Quyết định thẩm định.

Trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ ngày có Quyết định thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo bàn giao tài liệu cho Tổ thẩm định. Biên bản giao nhận hồ sơ, tài liệu.

Bước 2: Tiến hành thẩm định dự thảo kết luận thanh tra

Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tài liệu phục vụ việc thẩm định của Đoàn thanh tra, Tổ được giao thẩm định căn cứ Quyết định giao thẩm định của Chánh Thanh tra tỉnh tiến hành thẩm định dự thảo kết luận thanh tra (thành viên Tổ thẩm định thực hiện nhiệm vụ được phân công, tổng hợp viết báo cáo kết quả thẩm định gửi Tổ trưởng để tổng hợp chung theo yêu cầu). Nếu cần thiết thì tiến hành kiểm tra, xác minh để làm rõ nội dung thẩm định.

Nội dung cần thẩm định dự thảo kết luận thanh tra:

- Thẩm định việc xây dựng dự thảo kết luận thanh tra theo mẫu quy định (thể thức, hình thức, kết cấu, bố cục).

- Thẩm định tính đầy đủ các nội dung thanh tra theo quyết định, kế hoạch; báo cáo Đoàn thanh tra và báo cáo giám sát hoạt động Đoàn thanh tra (nếu có).

- Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra: Các thông tin về thành phần làm việc, chữ ký, dấu của cơ quan, đơn vị có liên quan… tại các Biên bản làm việc, Biên bản kiểm tra, xác minh của Đoàn thanh tra. Các nội dung kế hoạch tiến hành thanh tra; xác minh thẩm định tính đầy đủ, hợp lý, chặt chẽ tại Báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra, báo cáo, giải trình của đối tượng thanh tra (nếu có), những ý kiến còn khác nhau giữa các thành viên Đoàn thanh tra (nếu có), các thông tin, tài liệu khác làm căn cứ để kết luận, kiến nghị....

Trong trường hợp cần thiết, Tổ thực hiện thẩm định làm việc trực tiếp với Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra để làm rõ thêm về nội dung của dự thảo kết luận thanh tra.

Bước 3: Kết thúc thẩm định

Kết thúc việc thẩm định, Tổ thẩm định phải có Báo cáo kết quả thẩm định trình Chánh Thanh tra tỉnh.

Đối chiếu các quy định của pháp luật liên quan với nội dung dự thảo kết luận thanh tra; tại Báo cáo kết quả thẩm định nêu rõ những nội dung thống nhất với dự thảo và những điểm chưa đầy đủ, chưa hợp lý, chưa chặt chẽ... đưa ra hướng sửa đổi, bổ sung từng nội dung dự thảo.

Báo cáo kết quả thẩm định được gửi cho Chánh Thanh tra tỉnh; Trưởng đoàn thanh tra để hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra.

Căn cứ Báo cáo kết quả thẩm định, Chánh Thanh tra tỉnh chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định và hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra (nếu cần thiết có Báo cáo giải trình, tiếp thu cụ thể).

Trường hợp cần làm rõ ý kiến thẩm định thì báo cáo với Chánh Thanh tra tỉnh để làm việc trực tiếp với Tổ thẩm định. Trong trường hợp giữa Tổ thẩm định và Trưởng đoàn thanh tra có ý kiến khác nhau thì Chánh Thanh tra tỉnh yêu cầu Tổ thẩm định và Trưởng đoàn thanh tra giải trình, làm rõ để xem xét, quyết định.

Qua thời gian áp dụng quy trình thẩm định dự thảo kết luận thanh tra này, nhận thấy Tổ trưởng Tổ thẩm định dự thảo kết luận thanh tra tiến hành xác minh tính đầy đủ, hợp lý, chặt chẽ tại báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra, báo cáo, giải trình của đối tượng thanh tra, các thông tin về thành phần làm việc, chữ ký, dấu của cơ quan, đơn vị có liên quan… tại các Biên bản làm việc, Biên bản kiểm tra, xác minh của Đoàn thanh tra…Từ đó, giúp Tổ trưởng Tổ thẩm định dự thảo kết luận thanh nắm đầy đủ các nguyên tắc về thẩm định đảm bảo đúng phạm vi thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; đánh giá, kết luận phải khách quan, công bằng, tôn trọng quyền của các chủ thể có liên quan.

Việc áp dụng quy trình thẩm định dự thảo kết luận thanh tra sẽ góp phần nâng cao chất lượng các kết luận thanh tra, đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong thời gian tới. Đồng thời, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Luật Thanh tra năm 2022; Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra.

Thanh Nhung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra