Vi phạm, thiếu sót trong quản lý, sử dụng đất đai tại Đắk Lắk

Thứ tư, 11/01/2023 13:00
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, tại Đắk Lắk, công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã cơ bản thực hiện theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt. Các dự án được giao đất để phát triển các khu dân cư, khu đô thị đã góp phần chỉnh trang, tạo bộ mặt cho các huyện, thành phố, thị xã. Mặc dù vậy, tại địa phương, công tác quản lý, sử dụng đất đai vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót, vi phạm.

Trách nhiệm của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố

Công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện như: Thành phố Buôn Ma Thuột, huyện M’Drắc, huyện Buôn Đôn, huyện Ea Súp, huyện Ea HTeo chưa sát với tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, một số chỉ tiêu được phê duyệt và thực tế thực hiện chưa đạt yêu cầu so với chỉ tiêu kế hoạch được duyệt, nhiều chỉ tiêu đạt với tỷ lệ quá thấp.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Từ năm 2014 đến năm 2020, giá đất trên thị trường có nhiều biến động, theo hướng tăng, nhưng UBND tỉnh chưa kịp thời ban hành Quyết định điều chỉnh Bảng giá đất theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ để làm căn cứ xác định giá đất, khi Nhà nước thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại một số địa bàn làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Tại một số huyện, thành phố, thị xã, công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký biến động đất đai vẫn còn sai sót, thời gian giải quyết để kéo dài, gây bức xúc cho dân; quản lý hồ sơ địa chính còn chưa chặt chẽ, chưa thực hiện cập nhật, chỉnh lý biến động trên các sổ mục kê, sổ địa chính và bản đồ địa chính kịp thời, đúng quy định; còn có tình trạng cho phép một số hộ chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích từ đất phi nông nghiệp sang đất ở vượt hạn mức tại Quyết định số 36/2014/QĐ-UBND ngày 17/10/2014 của UBND tỉnh.

Tại thành phố Buôn Ma Thuột, việc tạo điều kiện cho các hộ dân hiến đất mở đường nội bộ trong phần đất đang quản lý sau đó tách thửa xin chuyển mục đích sang đất ở chuyển nhượng thu lợi trái phép; giao đất cho 06 hộ tại thành phố Buôn Ma Thuột xác định giá trị tiền sử dụng đất không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013, làm thất thu ngân sách theo ước tính khoảng 2.423 triệu đồng.

Tình trạng lấn chiếm xây dựng dựng nhà trái phép đất nông nghiệp, đất của các công ty nông lâm nghiệp còn diễn ra trên diện rộng và ngày càng phức tạp, thời gian dài nhưng không được các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp xử lý dứt điểm theo quy định hiện hành dẫn đến hệ lụy sau này khó giải quyết, tiềm ẩn phát sinh các điểm nóng về khiếu kiện đông người đặc biệt là tại 07 đơn vị thành viên trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam trên địa bàn huyện Cư Kuin.

Ngoài ra, việc chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng của một số bộ phận người dân và tổ chức được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất vẫn chưa thực sự nghiêm túc; tại thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Cư Kuin còn xảy ra tình trạng người dân xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, tự ý tách thửa, chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở và chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái phép bằng hình thức giấy tờ viết tay, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định.

Theo Thông báo Kết luận Thanh tra số 2012/TB-TTCP ngày 11/11/2022 của Thanh tra Chính phủ, để xảy ra những thiếu sót, vi phạm trên, trách nhiệm trực tiếp trước hết thuộc Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Sở Xây dựng; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố (trong đó có Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột); Văn phòng Đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Xây dựng, Thanh tra các huyện, thành phố và các cá nhân có liên quan. Liên quan đến việc để người dân lấn chiếm xây dựng dựng nhà trái phép đất nông nghiệp còn có trách nhiệm của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam và Giám đốc các Công ty thành viên trực thuộc trên địa bàn huyện Cư Kuin.

Diện tích rừng tự nhiên suy giảm 27.460,3 ha và trách nhiệm của các Công ty lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng và các tổ chức có liên quan

Thời gian từ năm 2017 đến năm 2020, theo báo cáo của UBND tỉnh, diện tích rừng tự nhiên suy giảm 27.460,3 ha về diện tích tự nhiên các công ty, đơn vị giao về địa phương quản lý; các huyện, thị xã, thành phố báo cáo chủ yếu tồn trên sổ sách, còn thực tế phần lớn đất rừng tự nhiên không có rừng trên thực địa.

Mặc dù, đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để tổ chức Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng", tuy nhiên, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều hạn chế.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do vướng mắc về cơ chế, chính sách, chưa đủ nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng và giải quyết các vấn đề dân sinh kinh tế, xã hội liên quan đến rừng, đất rừng.

Ngoài ra, các nguyên nhân chủ quan do chủ rừng một số nơi có tình trạng buông lỏng quản lý, tiếp tay cho đối tượng vi phạm, UBND cấp cơ sở thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, trách nhiệm của các khuyết điểm, sai phạm trên trước hết thuộc về chủ rừng là các Công ty lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các tổ chức có quản lý, sử dụng rừng và trách nhiệm về mặt tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các cơ quan tham mưu theo quy định của pháp luật./.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra