Doanh nghiệp giải thể, người mua trái phiếu thu nợ thế nào?

Thứ ba, 23/05/2023 18:03
(ThanhtraVietNam) - Một công ty cổ phần trụ sở tại Hà Nội có dư nợ trái phiếu doanh nghiệp hơn 1.000.000.000.000 đồng, nợ phải trả cao gấp 195 lần vốn chủ sở hữu đang làm thủ tục giải thể doanh nghiệp. Pháp luật quy định nghĩa vụ của tổ chức phát hành về thanh toán nợ cho người mua trái phiếu trong trường hợp này như thế nào?

Dư nợ trái phiếu cao hơn vốn chủ sở hữu 122,96 lần

Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, ngày 20/3/2023, Công ty Cổ phần Đầu tư Revital Việt Nam (viết tắt là: Revital) có trụ sở chính tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính kỳ báo cáo từ ngày 1/1 đến 31/12/2022.

Hoạt động này được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế cùng Thông tư số 122/2022/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định của Nghị định 153/2020/NĐ-CP.

Tháng 9/2018, Công ty Cổ phần Đầu tư Revital Việt Nam phát hành 1.155 trái phiếu doanh nghiệp mệnh giá 1.000.000.000 đồng với kỳ hạn 7 năm, tổ chức lưu ký là Công ty Chứng khoán dầu khí.

Theo đó, Revital có Dư nợ trái phiếu kỳ báo cáo là 1.155 tỷ đồng và chỉ tiêu Dư nợ trái phiếu/Vốn chủ sở hữu lên tới 122,96 lần (kỳ trước dư nợ trái phiếu vẫn là 1.155 tỷ đồng nhưng chỉ tiêu này chỉ là 5,71).

Chỉ tiêu trên tăng cao, tăng mạnh có lẽ được lý giải bởi sự sụt giảm mạnh của vốn chủ sở hữu từ hơn 202,4 tỷ đồng kỳ trước xuống chỉ còn gần 9,4 tỷ đồng trong kỳ báo cáo.

Văn bản công bố thông tin do người đại diện theo pháp luật của Revital là Giám đốc Trần Kim Hạnh ký cho thấy, chỉ tiêu nợ phải trả tăng từ hơn 1.646 tỷ đồng ở kỳ trước lên hơn 1.838 tỷ đồng trong kỳ báo cáo khiến Hệ số nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu “nhảy vọt” từ con số đáng báo động là hơn 8 lần lên mức “khủng khiếp” là hơn 195 lần.

Chỉ tiêu Lợi nhuận sau thuế thể hiện, kỳ báo cáo doanh nghiệp này đã thua lỗ hơn 193 tỷ đồng đã đưa Tỷ suất lợi nhuận/Vốn chủ sở hữu (ROE) về con số âm hơn 2.054%.

Văn bản công bố thông tin của Revital gửi HNX không thấy đề cập tới nguyên nhân khiến doanh nghiệp này lại thua lỗ “khủng khiếp” như vậy.

Thông tin trên Chuyên trang về trái phiếu doanh nghiệp của HNX ghi nhận, Revital có lĩnh vực hoạt động là bất động sản và vốn điều lệ là 650 tỷ đồng.

Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, Revital thành lập ngày 23/7/2014 và đăng ký rất nhiều ngành nghề kinh doanh như: Trồng rau, đậu các loại và trồng hoa, cây cảnh; Khai thác đá, cát, sỏi, đất sét; Tái chế phế liệu; Đại lý, môi giới (không bao gồm môi giới chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản và hôn nhân có yếu tố nước ngoài)…Ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động xây dựng chuyên dụng khác (Chi tiết: Công trình dân dụng, Công trình công nghiệp, Công trình giao thông, Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; Công trình hạ tầng kỹ thuật; Hoạt động xây dựng chuyên dụng trong một bộ phận thông thường khác nhau về thể loại cấu trúc, yêu cầu phải có kỹ năng riêng chuyên sâu hoặc phải có thiết bị dùng riêng…).

Đáng chú ý, dữ liệu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp vào ngày 20/5/2023 thể hiện, tình trạng hoạt động của Công ty Cổ phần Đầu tư Revital Việt Nam là: “Đang làm thủ tục giải thể”.

Phải thanh toán hết gốc, lãi trái phiếu

Trao đổi với Tạp chí Thanh tra, Luật sư Hoàng Việt Hùng – Giám đốc Công ty Luật TNHH UPlaw cho biết, giải thể doanh nghiệp là chấm dứt sự tồn tại của của doanh nghiệp, việc giải thể của Công ty Cổ phần Đầu tư Revital Việt Nam trong trường hợp này là theo ý chí của doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
Luật sư Hoàng Việt Hùng khẳng định, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ. Ảnh: NT

Hiện nay, Revital đang thực hiện bước đầu tiên của việc giải thể là gửi thông báo giải thể lên Sở Kế hoạch và đầu tư.

Sau khi thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ với người lao động, các khoản nợ..., doanh nghiệp sẽ tiếp tục làm hồ sơ thông báo lần 2 lên Sở Kế hoạch và đầu tư. Sau khi được chấp thuận thì doanh nghiệp mới thực sự chấm dứt sự tồn tại.

Khoản 1, Điều 127 Luật Doanh nghiệp quy định rõ: “Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài”.

Luật Doanh nghiệp quy định, hồ sơ giải thể doanh nghiệp phải có danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán. Nếu hồ sơ giải thể không chính xác hoặc giả mạo, thành viên Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán số nợ chưa thanh toán và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 5 năm kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp.

Việc thông báo giải thể lần 1 được đăng thông tin công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và đầu tư nhằm mục đích để các chủ nợ biết và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ thanh toán.

Theo Luật Chứng khoán, trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.

Như vậy, Công ty Revital buộc phải thanh toán xong số tiền gốc, lãi của trái phiếu cho trái chủ mới có thể hoàn thiện hồ sơ giải thể doanh nghiệp.

Còn đối với trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ thì buộc phải tiến hành theo thủ tục phá sản và chỉ Tòa án có thẩm quyền tuyên bố doanh nghiệp phá sản.

Việc yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản có thể do giám đốc danh nghiệp hoặc nhóm cổ đông chiếm trên 20% cổ phẩn thực hiện nếu thấy Doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán.

“Với tình hình tài chính như thông tin đã công bố, Công ty Revital nên tiến hành thủ tục phá sản thì phù hợp hơn”, Luật sư Hoàng Việt Hùng gợi ý./.

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra