Theo thống kê từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), trong tháng 9/2022, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 28.833 tỷ đồng, tăng 199% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là 142.209 tỷ đồng, chiếm khoảng 11,8% dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp cuối năm 2021.
Việc mua lại trước hạn đã giảm được một phần quy mô đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, ước tính còn khoảng 350.000 tỷ đồng trong cả năm 2023, tương đương gần bằng 1/4 dư nợ tăng thêm của hệ thống ngân hàng năm 2022 với giả định tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%. Đặc biệt, trong số trái phiếu đáo hạn này có khoảng 30% giá trị từ nhóm ngành ngân hàng. Do đó, khả năng cao vẫn có thể tái phát hành, song tỷ lệ hấp thụ sẽ bị hạn chế trong bối cảnh lãi suất cao và thanh khoản yếu đang diễn ra trong hệ thống.
Đã có những doanh nghiệp xử lý việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn khá ấn tượng. Đơn cử như BIDV, trong tháng 4 và 5/2022, BIDV đã mua lại toàn bộ trước hạn 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.216 tỷ đồng. Tiếp đó, tháng 6/2022, BIDV lại thực hiện mua lại toàn bộ trước hạn 6 lô trái phiếu với tổng giá trị lên đến 4.506 tỷ đồng. Trong tháng 7 và 8, BIDV mua lại toàn bộ trước hạn 6 lô trái phiếu nữa, với tổng giá trị 5.859 tỷ đồng. Đến tháng 9/2022, ngân hàng này lại tiếp tục mua lại toàn bộ trước hạn 3 lô trái phiếu có tổng giá trị là 1.091 tỷ đồng.
Mặc dù theo HNX, cũng trong khoảng thời gian này, BIDV liên tục phát hành thêm 28 lô trái phiếu doanh nghiệp mới với giá trị ước khoảng 21.872 tỷ đồng, tuy nhiên, việc mua lại trước hạn các lô trái phiếu đã giảm đáng kể áp lực đáo hạn, trả nợ trái điếu đến kỳ của BIDV.
Song không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được như BIDV khi mà “chất lượng” trái phiếu, cũng như những mối liên kết nợ vòng vo tạo ra những vòng nợ khó đảo.
Xét riêng tại ngành bất động sản đang chịu nhiều áp lực trong thời gian gần đây, trong năm 2023, ước tính có khoảng 130.000 tỷ đồng trái phiếu từ ngành bất động sản sẽ đáo hạn (sau khi loại trừ phần đã mua lại tính đến tháng 10/2022), chiếm khoảng 36% tỷ trọng giá trị đáo hạn năm 2023.
Trong bối cảnh tỷ giá được nới rộng, lãi suất điều hành điều chỉnh tăng, nguồn tín dụng vào doanh nghiệp bất động sản nói riêng, và cả lĩnh vực bất động sản nói chung giảm sút mạnh, liệu với các lô trái phiếu có sự dịch chuyện “quanh co” thì khả năng đáo hạn có không? Chỉ số an toàn như thế nào?... là những dấu hỏi lớn của không chỉ các bên liên quan tới chính trái phiếu doanh nghiệp đó, mà còn của cơ quan quản lý và giới đầu tư.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), khả năng đảo nợ trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản khá thấp do nhà đầu tư nắm giữ chủ yếu là cá nhân đang bị hạn chế rất nhiều do niềm tin đang bị ảnh hưởng cũng như do các quy định chặt chẽ hơn của NĐ 65/2022 NĐ-CP và do các hạn chế trong việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng. Mặt khác, dòng tiền từ hoạt động bán hàng đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh lãi suất tăng và tín dụng thắt chặt. Do đó, một số rủi ro đáng chú ý về nợ xấu và tăng lãi suất của thị trường từ khả năng đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới.
Trước sức ép đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp đang dần tăng cao, Hiệp hội trái phiếu doanh nghiệp đã có các buổi hội thảo cùng các quỹ trái phiếu, công ty chứng khoán và đã có một số đề xuất một số phương án trình lên cơ quan quản lý. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ cần nhiều thời gian để các ban ngành có thể đưa ra hướng xử lý cuối cùng.
Chính Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cũng thẳng thắn nhận định, thời gian vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bộc lộ hạn chế. Trong đó, dù không đại diện cho toàn thị trường nhưng những sai phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào kênh trái phiếu doanh nghiệp. Việc lấy lại niềm tin cho thị trường cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục “gỡ” các điểm nghẽn trong thủ tục về phát hành trái phiếu ra công chúng, để đảm bảo những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện phát hành ra công chúng sẽ nhanh chóng và khẩn trương phát hành trái phiếu dưới hình thức này.
Thực tế, để vừa củng cố chất lượng của thị trường, vừa củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào kênh huy động hữu hiệu này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP theo hướng chặt chẽ hơn, nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia. Tuy nhiên, chính sách mới sẽ cần thời gian để thị trường làm quen. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục gỡ các điểm nghẽn trong thủ tục về phát hành trái phiếu ra công chúng, để đảm bảo những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện phát hành ra công chúng sẽ nhanh chóng và khẩn trương phát hành trái phiếu dưới hình thức này.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, đề xuất thêm các giải pháp như: phát triển nhà đầu tư chuyên nghiệp, quỹ đầu tư, thiết lập hành lang pháp lý đủ rộng, đủ linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật cho phép về việc chuyển vốn, đáo hạn... nhằm lành mạnh hóa dòng vốn có được từ kênh thu hút vốn quan trọng này và tạo ra một sung lực mới, một lực cầu mới trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, trái phiếu doanh nghiệp đã và đang là một kênh huy động vốn quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất ngân hàng leo thang và tiếp cận tín dụng hạn hẹp. Đây cũng là một kênh dẫn vốn quan trọng, vì nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, cùng với đó số lượng doanh nghiệp niêm yết trên thị trường còn quá nhỏ. Trong điều kiện ở Việt Nam, thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới hình thành, quy mô thị trường còn nhỏ và chưa hề xảy ra vụ việc vỡ nợ nào, doanh nghiệp phát hành không kỳ vọng hỗ trợ nguồn vốn từ Chính phủ nhưng cần những cơ chế, chính sách của nhà điều hành để thị trường phát triển lành mạnh và giữ được niềm tin của nhà đầu tư, bởi tiền trong dân còn rất nhiều nhưng không thể chỉ gửi tiết kiệm, sẽ tạo áp lực lên hệ thống ngân hàng quốc doanh vốn đã hết “room” tín dụng.
Trong bối cảnh các kênh huy động vốn trong nước bị thắt chặt, cụ thể kênh huy động vốn qua trái phiếu trong nước đang rất “ảm đạm” thì vẫn có nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc thực hiện huy động vốn vay quốc tế. Đây là một diễn biến khá tích cực. Minh chứng là riêng với 10 giao dịch được công bố gần đây có tổng giá trị 1.915 tỷ USD bao gồm: Tập đoàn Masan (600 triệu USD), VPBank (500 triệu USD), SeABank (200 triệu USD), Chứng khoán Bản Việt (105 triệu USD), Chứng khoán VNDirect (75 triệu USD), F88 (60 triệu USD), Vinfast (135 triệu USD), Tập đoàn Novaland (40 triệu USD), Tập đoàn Lộc Trời (100 triệu USD) và Be Group (100 triệu USD).
Điều này cũng cho thấy niềm tin của các tổ chức tài chính nước ngoài vào sự tăng trưởng dài hạn của các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam nếu như thông tin và hồ sơ tín dụng rõ ràng. Hoạt động huy động vốn vẫn có thể diễn ra và mức độ rủi ro được phản ánh vào lãi suất. Các khoản vay ngoại tệ cũng đã góp phần giải quyết vấn đề áp lực đáo hạn nợ và nhu cầu tái cơ cấu nợ của một số doanh nghiệp.
Tuy nhiên, mức lãi suất huy động vốn nợ này có thể sẽ cao hơn các giao dịch huy động thời gian trước do bối cảnh lãi suất tăng cao và chi phí bảo hiểm rủi ro tỷ giá được tính thêm. Hiện tỷ giá hối đoái kỳ hạn 1 năm của VNĐ so với USD ở mức 4-5%, do đó chi phí vốn nợ thực tế bằng ngoại tệ có thể dao động ở mức 13-17% tùy theo kỳ hạn.
Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, việc bảm bảo thanh khoản, trao cơ hội cho các bên, trong thông điệp làm lành mạnh hóa thị trường, đảm bảo trên hết lợi ích của nhà đầu tư… là điều mà mọi chủ thể, thành viên trên thị trường trái phiếu đang cần và mong đợi. Sự đảm bảo thanh khoản của doanh nghiệp, thị trường lúc này, hơn lúc nào hết, cũng đang gắn chặt với cơ hội hồi phục, tăng trưởng của nền kinh tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tăng cao cộng hưởng với sức ép từ việc lãi suất tín dụng tăng, biên độ giao động tỷ giá rộng hơn… nếu các giải pháp ứng xử của các cơ quan có thẩm quyền đưa ra chưa hoặc không phù hợp, tiền trong dân sẽ còn trú ẩn vào gửi tiết kiệm, doanh nghiệp của Việt Nam sẽ còn loay hoay trong bế tắc, thay cho được hưởng những kích thích vượt thoát khó khăn, vượt lên suy thoái kinh tế theo xu thế chung đang diễn biến trên toàn cầu./.