Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh và đúng định hướng

Thứ tư, 07/09/2022 08:46
(ThanhtraVietNam) - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), TPDN riêng lẻ có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư và là kênh dẫn vốn hiệu quả cho doanh nghiệp, giảm sức nặng cho kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên với sự phát triển “nóng” trong thời gian vừa qua cũng đang đặt ra vấn đề cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý, cũng như tăng các chế tài xử lý để phát triển lành mạnh, đúng hướng thị trường quan trọng này.

Tăng cường giám sát, phát hiện giao dịch bất thường trên thị trường chứng khoán

Vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Được biết, Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và các bị can đã có hành vi nâng khống vốn của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã Ck: ROS).

Trước đó, Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS) đã tăng vốn khống trước khi niêm yết là hành vi cấm theo quy định tại Luật Doanh nghiệp. ROS đã tăng vốn điều lệ gấp 2.867 lần từ 1,5 tỷ đồng vào tháng 3/2014, lên 4.300 tỷ đồng vào tháng 3/2016

Luật sư Trương Anh Tú, Giám đốc Công ty TAT LAW FIRM cho biết, hoạt động phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ của các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng trước khi lên niêm yết trên sàn thực hiện theo các quy định tại Luật Doanh nghiệp, thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ với Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Và việc tăng vốn điều lệ của một số công ty thuộc “họ FLC” trong đó có ROS đều được các doanh nghiệp này thực hiện trước khi lên sàn. Các doanh nghiệp này đều thực hiện tăng vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp và đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời, không thuộc sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán và không chịu quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Cũng theo Luật sư Tú, việc tăng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng xảy ra tại ROS trước khi niêm yết trên thị trường chứng khoán vừa được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố là hành vi bị cấm được quy định tại khoản 5 Điều 16 Luật Doanh nghiệp: “Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị”.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, thời gian qua, cơ quan quản lý đã xây dựng hệ thống giám sát, phát hiện giao dịch bất thường trên thị trường chứng khoán bao gồm nhiều cấp gồm: Sở giao dịch chứng khoán là đơn vị giám sát tuyến đầu, có trách nhiệm giám sát, phát hiện các dấu hiệu bất thường trong giao dịch cổ phiếu, hoạt động của tổ chức niêm yết, báo cáo UBCKNN; UBCKNN là đơn vị giám sát tuyến trên, dựa trên cơ sở báo cáo giám sát của Sở giao dịch chứng khoán sẽ tiến hành kiểm tra làm rõ các dấu hiệu bất thường xử lý theo quy định.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

Các nhà đầu tư cần tìm hiểu đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành

Trong quá trình giám sát, UBCKNN đã thường xuyên chỉ đạo các Sở giao dịch chứng khoán giám sát chặt chẽ đối với các mã cổ phiếu trên thị trường, việc tuân thủ nghĩa vụ của các tổ chức niêm yết; tổ chức kiểm tra làm rõ các dấu hiệu bất thường, chuyển cơ quan công an các vụ việc có dấu hiệu hình sự. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 8/2022, UBCKNN đã chủ động chuyển 35 vụ việc sang cơ quan công an để phối hợp xác minh, điều tra xử lý theo quy định, trong đó có các cổ phiếu thuộc nhóm FLC (FLC, ROS, GAB, HAI, AMD, ART), nhóm Loius Holdings.

Theo ý kiến của một chuyên gia tài chính - ngân hàng, hiện nay thị trường TPDN nói chung và TPDN riêng lẻ nói riêng đã cho thấy sức hấp dẫn và thể hiện vai trò ngày càng quan trọng, trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp, giảm sức nặng cho kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của thị trường TPDN riêng lẻ cũng đã và đang tiềm ẩn một số rủi ro, cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý, cũng như tăng các chế tài xử lý để lành mạnh hóa thị trường này, hỗ trợ thị trường phát triển đúng định hướng.

Chính phủ đã dành nhiều sự quan tâm cho thị trường trái phiếu doanh nghiêp, điều này đảm bảo cho thị trường quan trọng này được phát triển lành mạnh, ổn định, đúng định hướng. Tuy vậy, trước những rủi ro của thị trường này, cần thiết phải có những chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của cơ quan quản lý, cũng như thông điệp cảnh báo của các tổ chức phát hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian và đặc biệt là các nhà đầu tư cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng đầu tư phù hợp.

Bên cạnh các quy định pháp luật, sự quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước, thì thị trường TPDN riêng lẻ phụ thuộc lớn vào sự chủ động, tính tuân thủ của các chủ thể tham gia thị trường: doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian, và nhà đầu tư.

Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh, hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ của công ty không phải là công ty đại chúng hiện nay thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và hướng dẫn tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Việc phát hành trái phiếu riêng lẻ không phải đăng ký, báo cáo hay phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước.

Do đó, để tránh rủi ro cho các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư, giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ, pháp luật quy định rõ chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được tham gia mua trái phiếu phát hành riêng lẻ. Các nhà đầu tư cần tìm hiểu đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành; hiểu rõ điều kiện, điều khoản trái phiếu và các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành trước khi quyết định mua và giao dịch trái phiếu; đồng thời phải tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình, tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ./.

Lam Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra