Hậu Giang: Hòa giải ở cơ sở góp phần hạn chế khiếu kiện vượt cấp

Thứ tư, 13/03/2024 07:36
(ThanhtraVietNam)- Xác định tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh Hậu Giang đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng công tác này, qua đó, góp phần hạn chế khiếu kiện vượt cấp, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Hậu Giang: Phát động thi đua trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Hậu Giang: Tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc

Hậu Giang: Tập trung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm

Hòa giải tốt từ cơ sở

Công tác hòa giải ở cơ sở là một hoạt động mang tính xã hội tự nguyện, thực hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hòa giải không chỉ đơn thuần góp phần hạn chế các tranh chấp dân sự và phòng ngừa tội phạm, vận động Nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, giữ gìn quan hệ tốt đẹp tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư mà còn góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, qua 10 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và 3 năm triển khai Đề án nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, công tác hòa giải cơ sở tại tỉnh không chỉ giúp tăng tình đoàn kết trong cộng đồng mà còn ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, giúp kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển bền vững, ổn định.

Trong giai đoạn từ năm 2014-2023, các tổ hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh tiếp nhận và đưa ra hòa giải tổng số 15.041 vụ việc. Trong đó, hòa giải thành 13.734 vụ, đạt tỷ lệ 91,3%; hòa giải không thành 1.307 vụ chiếm 8,7%... Về phía Sở Tư pháp đã tổ chức 89 đợt tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng cho hòa giải viên với khoảng 3.600 đối tượng tham gia. Sở còn biên soạn và phát hành 10.000 tờ gấp hỏi - đáp Luật Hòa giải ở cơ sở, sổ tay nghiệp vụ, sổ tay kỹ năng hòa giải ở cơ sở cấp phát cho các tổ hòa giải trên địa bàn.

Tại huyện Phụng Hiệp, đến nay, địa phương đã củng cố và nâng chất hoạt động cho 128 tổ hòa giải ở cơ sở, với 776 hòa giải viên, trung bình mỗi tổ hòa giải có từ 5-7 thành viên. Trong đó, thành phần tham gia gồm có trưởng ấp, trưởng ban công tác Mặt trận, các chi hội trưởng của các đoàn thể như phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, đoàn thanh niên và người có uy tín,… Trong năm 2023, các tổ hòa giải trên địa bàn đã tiếp nhận 836 vụ việc, đưa ra hòa giải 830 vụ, hòa giải thành 728 vụ, đạt tỷ lệ 87,71, trong đó các vụ việc hòa giải phổ biến như tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình, mâu thuẫn nhỏ,…

leftcenterrightdel

Quang cảnh một buổi hòa giải tranh chấp quyền sử dụng đất ở thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp (ảnh: haugiang.gov.vn) 

Tại Tổ hòa giải ấp Hòa Hưng, thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, năm 2023 đã tiếp nhận 12 vụ việc từ đơn giản đến phức tạp đều có, qua công tác hòa giải, tổ hòa giải thành 12/12 vụ, góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt.

Theo ông Phạm Thanh Hiền, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Hòa Hưng, để hóa giải, hàn gắn những mâu thuẫn, cách làm của tổ hòa giải ấp là trước khi đưa vụ việc ra hòa giải, tổ sẽ xác minh, nắm rõ về nguồn gốc, nguyên nhân. Sau đó, tổ sẽ tiến hành mời các bên đến nhà thông tin ấp, đặc biệt là mời thêm một số người có uy tín ở địa phương tham gia hòa giải.

Ông Hiền chia sẻ: “Điều quan trọng là tập thể tổ hòa giải nên có định hướng trước về nội dung, hướng phân tích, giải thích để vận động hai bên đương sự, nhằm tránh trường hợp các thành viên trong tổ hòa giải, trong quá trình phân tích, giải thích có ý kiến trái chiều, dẫn đến hiệu quả hòa giải không cao”.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Thành A, qua 3 năm triển khai Đề án nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Châu Thành A nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự nhiệt huyết, cống hiến của đông đảo đội ngũ hòa giải viên. Đến nay, địa phương đã tiến hành trang cấp điện thoại di dộng cho 79/79 tổ hòa giải cơ sở để các hòa giải viên có thể tra cứu kịp thời các quy định pháp luật phục vụ cho công tác hòa giải.

Khi đã nắm rõ nội dung vụ việc, hòa giải viên tiến hành tra cứu, tham khảo, vận dụng pháp luật, phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; kỹ năng tổ chức, điều hành, kiểm soát buổi hòa giải. Cuối cùng là kỹ năng tư vấn, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục, vận động các bên tự thỏa thuận dàn xếp vụ việc sao cho tốt đẹp.

Nâng cao chất lượng hòa giải

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, theo ông Đồng Việt Phương, thời gian tới rất cần cấp ủy đảng, chính quyền các cấp xác định đúng vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở; phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan tư pháp trong việc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, qua đó tạo điều kiện tốt nhất để giúp đội ngũ hòa giải viên an tâm thực hiện công tác hòa giải.

Ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, để tỷ lệ hòa giải thành cao và nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở đòi hỏi mỗi hòa giải viên không chỉ nắm vững chính sách, thể chế pháp luật trên các lĩnh vực mà còn phải giỏi kỹ năng hòa giải. Do đó, hàng năm sở đều chú trọng tổ chức các hội nghị tập huấn, để truyền đạt các nội dung quan trọng về kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở nắm gồm: kỹ năng giao tiếp (hòa giải viên phải vui vẻ, niềm nở khi tiếp xúc với người dân và phải biết lắng nghe các bên trình bày hết ý kiến); kỹ năng thu thập tài liệu, chứng cứ để tìm ra nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, xung đột.

Tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản có liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân am hiểu để thực hiện. Thường xuyên tuyên truyền trong Nhân dân nhận thức sâu sắc hơn những quy định của pháp luật, nhất là Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường... Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng dân cư. Mời người có chức sắc, chức việc trong tôn giáo tham gia tuyên truyền, vận động người dân theo đạo về những chủ trương, chính sách, chính sách của Đảng, Nhà nước để người dân nắm và am hiểu nhằm hạn chế tranh chấp ở địa phương.

Thường xuyên động viên, nêu cao tinh thần trách nhiệm của thành viên tổ hòa giải, những người có uy tín trong tôn giáo tích cực tham gia hòa giải đối với các vụ việc tranh chấp ở cơ sở. Phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong tôn giáo tích cực tham gia các vụ việc hòa giải của tổ hòa giải.

Đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn ở cơ sở để hướng dẫn khắc phục kịp thời, từng bước đáp ứng yêu cầu giải quyết những vụ việc tranh chấp dân sự ngày càng phức tạp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn. Từ đó, góp phần cho công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng nâng cao về chất lượng./.

Khánh Nghi

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra