Cần tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn để thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Thứ tư, 15/06/2022 12:35
(ThanhtraVietNam) - Trước thực trạng cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết vướng mắc nhất nằm ở chỗ xác định giá trị doanh nghiệp và phương án sử dụng đất.

Vướng mắc đất đai làm chậm quá trình cổ phần hóa

Mới đây, trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính, vấn đề cổ phần hoá, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Các câu hỏi tập trung vào việc rà soát phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất với phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn, nhiều quy trình, thủ tục, thời gian kéo dài do pháp lý đất đai phức tạp, đặc biệt là việc xác định lợi thế giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm, đánh giá thương hiệu quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa lịch sử được quy định tại Nghị định 32 để xác định giá khởi điểm khi thoái vốn nhưng có nhiều cách nghĩ còn khác nhau dẫn đến lúng túng, không thống nhất khi thực hiện. Bộ Tài chính sẽ xử lý những vấn đề này thế nào và giải pháp trong thời gian tới?

Đồng thời, số doanh nghiệp thực hiện thoái vốn nhưng thực hiện chưa triệt để. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn của một số Bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, đặc biệt liên quan đến đất đai dẫn đến làm thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước. Vướng mắc trong sắp xếp, xử lý đất đai của doanh nghiệp nhà nước có diện tích đất lớn, tại nhiều địa phương. Đại biểu băn khoăn đây có phải nguyên nhân chính gây vướng mắc trong thoái vốn, cổ phần hóa?

Trả lời các vấn đề Đại biểu quan tâm, người đứng đầu ngành Tài chính cho biết, sắp xếp nhà đất là một trong những nút thắt của cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai. Theo đó, khi trình phương án sắp xếp tài sản công, UBND các tỉnh được giao thẩm quyền phê duyệt phương án, nhưng việc này triển khai rất chậm.

Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định. Việc tính giá đất không sát giá thị trường tạo ra thất thoát, tài sản nhà nước, chuyển sang tài sản tư nhân.

Do đó, giải pháp trong thời gian tới là việc chuyển mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.

Liên quan đến một số vướng mắc tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng, đối với việc Nghị định 32 xác định vấn đề là lợi thế thương mại và đưa tiền thuê đất một lần vào giá trị của doanh nghiệp, qua các hội thảo, nhiều chuyên gia đánh giá là chưa hợp lý.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vẫn còn chưa quyết tâm, chưa trách nhiệm của các doanh nghiệp, các cơ quan chủ sở hữu trong thúc đẩy cổ phần hóa

Bởi đó cũng là đánh giá lợi thế thương mại và theo ước chừng chứ không có tiêu chí chính xác để đánh giá giá trị lợi thế thương mại. Khi đưa vào giá trị của doanh nghiệp, thì hôm nay giá đất cao và ngày mai sẽ rẻ. Do đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ sửa đổi.

Tuy vậy, việc chuyển mục đích sử dụng đất, Nghị quyết 60/2018/QH14 không cho doanh nghiệp có nguồn gốc Nhà nước sau khi cổ phần hóa không được chuyển mục đích sử dụng đất. Nếu đất không sử dụng cho sản xuất kinh doanh và không có nhu cầu nữa thì trả cho Nhà nước. Khi đó, Nhà nước sẽ đấu giá để thu tiền sử dụng đất hoặc chuyển khu đất đó cho doanh nghiệp khác, cơ quan khác sử dụng.

Về vấn đề gắn việc sắp xếp nhà đất vào cổ phần hoá, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nhà đất là tài sản của Nhà nước. Trước đây theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP, bây giờ là Nghị định 67/2021/NĐ-CP, trước khi chuyển sang phải có sự sắp xếp, phần nào giữ lại, phần nào trả về cho Nhà nước và phần nào đưa vào trong giá trị cổ phần hoá hoặc để chuyển giao cho doanh nghiệp cổ phần hoá. Bộ trưởng cho rằng, trước khi cổ phần hoá phải sắp xếp để xác định tính hợp lý sử dụng.

Về thực trạng cổ phẩn hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước rất chậm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết vướng mắc nhất là xác định giá trị doanh nghiệp và phương án sử dụng đất. Bên cạnh đó, rủi ro pháp lý cao nên các cơ quan chủ quản ngại phê duyệt phương án, các doanh nghiệp quyết tâm không cao nên tình hình “dậm chân tại chỗ”.

Về trách nhiệm của các cơ quan trong vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ, Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp theo dõi; Bộ Tài chính được giao theo dõi cổ phần hóa và phối hợp các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp; còn trực tiếp thực hiện là doanh nghiệp và cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu.

Trước các nút thắt về mặt pháp lý cần được hoàn thiện đảm bảo cho vấn đề cổ phần hóa, Bộ trưởng cho rằng phải có 1 mục tiêu hay nguyên tắc để thực hiện vấn đề cổ phần hóa theo hướng đối với những những doanh nghiệp dưới 5% vốn của Nhà nước nên cổ phần hóa hết, để các doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện sản xuất, kinh doanh chủ động, nếu Nhà nước tham gia vốn thì Nhà nước phải điều hành được.

Đối với những doanh nghiệp quản trị tốt, làm ăn tốt, giải quyết được việc làm, giữ được vai trò điều tiết cho các nền kinh tế thì nên giữ và nên tăng cường năng lực hoạt động. Đồng thời, trong quá trình cổ phần hóa, cần quản lý chặt chẽ đất đai...

Liên quan đến ý kiến thu từ cổ phần hóa còn thấp, người đứng đầu ngành Tài chính cho biết: “Kết quả này thể hiện sự chưa quyết tâm, chưa trách nhiệm của các doanh nghiệp, các cơ quan chủ sở hữu trong thúc đẩy cổ phần hóa, còn vướng mắc trong sự phối hợp, nên phương án cổ phần hóa không được phê duyệt, không lên sàn và bán được, dẫn tới thu ngân sách thấp hơn dự toán”.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra