Hoạt động giao dịch bất động sản và tiền ảo tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền

Thứ năm, 15/09/2022 10:28
(ThanhtraVietNam) - Cuộc cách mạng 4.0 đã thúc đẩy công nghệ phát triển nhanh chóng, việc sử dụng tài sản ảo ngày càng phát triển, đi cùng cùng với đó là hoạt động chuyển tiền được thực hiện giữa người với người qua các hệ thống thanh toán công nghệ mới, thay vì thông qua ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính truyền thống… dễ phát sinh và tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền, điều này đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước phải có những điều chỉnh, sửa đổi quy định phù hợp.

Hoạt động rửa tiền đối với lĩnh vực bất động sản đang là vấn đề nhạy cảm và khá nhức nhối

Tại Việt Nam, bất động sản là lĩnh vực thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản, nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền. Do đó, hoạt động rửa tiền thông qua bất động sản được xem là một trong những kênh đầu tư mà tội phạm rửa tiền dễ khai thác.

Các trường hợp phạm tội chiếm được nhiều tiền thường sử dụng tiền đó để mua nhà đất, trong khi đó quy định của pháp luật chưa có quy định chặt chẽ về việc xác định nguồn gốc tiền để mua nhà. Bên cạnh đó, cũng có hình thức hợp thức hóa các khoản tiền bằng cách vui chơi có thưởng, xổ số trúng thưởng có giá trị lớn và quà tặng quà khuyến mại kèm theo bất động sản, như việc mua một biệt thự giá từ bao nhiêu đó, thì được tặng một căn hộ hoặc một biệt thự...

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho biết, các đối tượng rửa tiền có thể nhờ người thân, người quen những người tin cậy để gửi các tài sản đó nhằm che giấu nguồn gốc. Có những trường hợp mở hàng chục tài khoản tại các ngân hàng để đứng ra giao dịch, mua hàng chục biệt thự giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng, hay gửi tặng nhau các cổ phần trong hoạt động đầu tư kinh doanh, nhưng để xem xét và truy cứu những vấn đề này thì còn nhiều khó khăn.

Hoạt động rửa tiền đối với lĩnh vực bất động sản đang là vấn đề nhạy cảm và khá nhức nhối khi các quy định pháp luật về rửa tiền còn nhiều hạn chế. Cùng với đó, việc tổ chức thực hiện pháp luật đấu tranh ngăn ngừa với hành vi phạm tội vẫn còn những khoảng trống, dẫn đến câu chuyện tiền phạm tội không chỉ để mua vàng, chuyển ra nước ngoài mà còn sẵn sàng chuyển thành các bất động sản.

Luật Phòng chống rửa tiền 2012 quy định trách nhiệm báo cáo của các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình, bao gồm cả báo cáo thường xuyên và báo cáo theo vụ việc, hoặc theo yêu cầu. Tuy vậy, trên thực tế vấn đề báo cáo không được thường xuyên, vì các hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản trong thời gian qua hầu như không bao giờ khai thật giá trị mua bán, chuyển nhượng, vẫn luôn tồn tại tình trạng “2 giá” giữa các giao dịch bất động sản, trong khi đó, quy định của pháp luật là tất cả các giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên đều phải có nghĩa vụ báo cáo Cục Nhà ở và Thị trường bất động sản, cũng như Cục Phòng chống tham nhũng.

Luật sư Trương Anh Tú, Giám đốc Công ty TAT LAW FIRM cho rằng, với quy định như vậy các cá nhân có thể chia nhỏ, lập thành rất nhiều tài khoản để chuyển tiền không quá 300 triệu đồng nhằm né báo cáo, đây đang là vấn đề vẫn hạn chế trong điều chỉnh của Luật. Ông Tú cũng cho biết thêm, việc báo cáo là trách nhiệm của các sàn giao dịch bất động sản được yêu cầu, nhưng chất lượng báo cáo lại phụ thuộc vào ý thức, hiện trạng đang diễn ra tại những đơn vị, cơ sở đó, còn nội dung thực tế và vụ việc cụ thể thì dễ bị che giấu bớt đi. Do đó, cơ quan quản lý cần có quy định cụ thể, rõ ràng để kiểm soát hiệu quả vấn đề này.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các giao dịch liên quan đến tiền ảo, tài chính trên không gian mạng là những giao dịch rất dễ phát sinh các khoản thu nhập lớn, tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền

Cũng theo Luậ sư Tú, vì giá cả trong giao dịch do các bên đương sự tự thỏa thuận, các bên có thể có cấu kết với nhau khai thấp giá xuống khiến cơ quan chức năng khó phát hiện ra. Thậm chí các sàn giao dịch cũng chấp nhận việc ghi trên hợp đồng như vậy để nhanh chóng giải quyết được việc. Do đó, khi mở rộng các đối tượng hoạt động phải báo cáo trong Luật phòng chống rửa tiền thì càn thiết mở rộng thêm đối tượng là các giao dịch giữa các cá nhân với nhau, liên quan đến hoạt động bất động sản phải có cơ chế để kiểm soát, giám sát, xác định ngay nguồn tiền trong các giao dịch ngay từ đầu.

Đáng chú ý, các giao dịch liên quan đến tiền ảo, tài chính trên không gian mạng là những giao dịch rất dễ phát sinh các khoản thu nhập lớn. Các chuyên gia ngân hàng, tài chính chia sẻ, hiện nay tội phạm thường dùng tiền do phạm pháp mà có để đầu tư (mua) các đồng tiền ảo được chào bán công khai tại các sàn giao dịch trên mạng Internet. Lúc này, “tiền bẩn” đã ẩn mình dưới vỏ bọc là tiền ảo. Sau đó, nhờ tính ẩn danh, lượng tiền ảo đó có thể bán cho người khác hoặc bán ngược trở lại thị trường trong các giao dịch hằng ngày.

Trong các nguy cơ về rửa tiền, không thể không nhắc đến sự xuất hiện của những sàn giao dịch tiền ảo như hiện nay, việc chuyển đổi từ một đồng tiền này sang đồng tiền khác quá dễ dàng. Thông qua việc mua bán qua lại giữa những người giao dịch tiền ảo trên sàn mà nguồn gốc số tiền phạm pháp được “làm sạch”. Khi cần quy đổi thành tiền mặt, tội phạm có thể bán số tiền ảo đó cho người cùng tham gia giao dịch trên sàn hoặc bán ngay cho chủ sàn, đàng hoàng rút tiền thật ra để hòa nhập với thị trường tài chính.

Mới đây, tại toạ đàm về phòng chống rửa tiền, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, xuất phát từ việc thực thi Luật và nắm bắt xu hướng phát triển của các dịch vụ tài chính mới, cơ quan này đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền; trong đó tập trung xem xét đến vấn đề về đối tượng báo cáo, đặc biệt là đối tượng liên quan đến tài sản ảo. Do thực tế thống kê cho thấy, lĩnh vực tài sản ảo đang có sự phát triển nhanh chóng và phức tạp trên thế giới, và Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.

Bên cạnh đó, còn có lý do “rất đặc trưng” là các giao dịch thanh toán với tài sản ảo khác các giao dịch tài chính truyền thống, việc chuyển tiền được thực hiện giữa người với người qua các hệ thống thanh toán công nghệ mới, thay vì thông qua ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính truyền thống… Vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung các quy định của pháp luật để những đối tượng báo cáo theo Luật cần phải được mở rộng thêm qua đó mới thêm công cụ để phòng, chống tội phạm rửa tiền./.

Hồng Dân
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra