|
|
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười tại buổi Tiếp công dân định kỳ tháng 8/2023. Ảnh: Song Nguyên |
Chủ tịch UBND tỉnh 02 lần trực tiếp tiếp công dân liên quan đến Cụm CN-TTCN Quảng Tâm
Được biết, đất Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) Quảng Tâm có nguồn gốc là đất lâm nghiệp do Lâm trường Quảng Tân (sau này là Công ty Cao su Phú Riềng) quản lý, sử dụng; được UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi giao cho UBND huyện Tuy Đức quản lý để thành lập Cụm CN-TTCN.
Ngày 01/02/2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 126/QĐ-UBND cho Công ty Đại Gia Thuận thuê 349.419 m2 đất để thực hiện dự án đầu tư Cụm CN-TTCN. Do Công ty Đại Gia Thuận không triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ, không thực hiện đúng phương án sử dụng đất, không quản lý, bảo vệ diện tích đất được thuê, để người dân chiếm đất nên ngày 08/11/2019, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 1839/QĐ-UBND, thu hồi đất của Công ty Đại Gia Thuận giao UBND huyện Tuy Đức quản lý.
Để xử lý các trường hợp lấn, chiếm đất trái phép tại Cụm CN-TTCN Quảng Tâm, UBND huyện Tuy Đức đã giao UBND xã Quảng Tâm thực hiện. Theo đó, UBND xã Quảng Tâm đã thiết lập các biên bản vi phạm hành chính và UBND huyện Tuy Đức ban hành các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Do các đối tượng chiếm đất Cụm CN-TTCN không thực hiện khắc phục hậu quả, ngày 28/9/2022, UBND huyện đã tổ chức lực lượng thi hành 23 quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Kết quả đã thi hành xong đối với 09 quyết định; có 03 quyết định, đối tượng vi phạm tự nguyện khôi phục lại nguyên trạng ban đầu và trả lại đất cho địa phương quản lý, còn 11 quyết định các đối tượng vi phạm không chấp hành trả lại đất. UBND huyện Tuy Đức đã chỉ đạo xã Quảng Tâm thiết lập hồ sơ vi phạm xử lý hành vi chiếm đất đối với trường hợp xác định được đối tượng theo quy định.
Ngày 15/3/2023, UBND huyện Tuy Đức tiếp tục tổ chức thực hiện cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Qua tuyên truyền, vận động đã có 07 trường hợp chấp hành tự nguyện di dời tài sản và trả lại đất đã chiếm cho địa phương quản lý. Sau khi UBND huyện Tuy Đức thực hiện việc cưỡng chế, nhiều hộ vi phạm không chấp hành đã kéo ra Hà Nội và kéo đến UBND tỉnh để khiếu nại.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã 02 lần trực tiếp tiếp các công dân liên quan đến Cụm CN-TTCN Quảng Tâm. Qua các lần tiếp công dân, UBND tỉnh đã ban hành thông báo kết luận, trong đó khẳng định: Đất Cụm CN-TTCN Quảng Tâm do Nhà nước giao cho các Công ty Nông lâm nghiệp quản lý, bảo vệ rừng và giao cho Công ty Đại Gia Thuận thực hiện dự án Cụm CN-TTCN; việc các hộ dân sử dụng đất tại Cụm CN-TTCN Quảng Tâm là hành vi lấn, chiếm đất trái phép, bị pháp luật nghiêm cấm. Việc UBND huyện Tuy Đức thực hiện cưỡng chế bắt buộc khắc phục hậu quả là đảm bảo về thủ tục, đúng quy định của pháp luật, việc các hộ dân đề nghị chính quyền có phương án bồi thường và đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất lấn chiếm là không có cơ sở giải quyết.
Bài học kinh nghiệm
Có thể nói, tình hình khiếu nại, tố cáo tại Đắk Nông còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Qua mỗi vụ việc cụ thể, các cơ quan chức năng đều rút ra được những bài học kinh nghiệm. Tựu chung lại là các bài học như sau:
Một là: Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, tham gia tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức, đoàn thể trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, tính thống nhất, đồng thuận của cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo và người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Hai là: Thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ ngành Thanh tra đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng gắn với nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất giúp Thủ trưởng cùng cấp tập trung làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với phương châm tích cực, chủ động, sáng tạo.
Ba là: Thực hiện đầy đủ, đúng đắn quy trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định, “thấu tình, đạt lý”; trong đó chú trọng nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo lần đầu, hạn chế đơn thư tồn đọng và tiếp khiếu lên cấp trên.
Bốn là: Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp trên đối với cấp dưới. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những hạn chế, tồn tại, thiếu sót trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đưa công tác này ngày càng đi vào nề nếp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biển, giáo dục pháp luật cho công dân về Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản pháp luật liên quan, để công dân hiểu biết pháp luật nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại và khiếu nại, tổ cáo không đúng quy định.
Năm là: Tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở, chỉ đạo UBND cấp xã làm tốt công tác hòa giải; quan tâm hồ trợ, bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Sáu là: Trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án có thu hồi đất phải quan tâm thực hiện việc công khai, minh bạch trong quá trình triển khai dự án; đặc biệt là công khai, minh bạch, dân chủ trong việc lập và thực hiện phương án bồi thường, hồ trợ, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần hạn chế, giảm thiểu vướng mắc, khiếu kiện liên quan tới chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Thành lập tổ xử lý để rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo có hiệu lực; nhằm giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, thực hiện nghiêm túc các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; kịp thời chấn chỉnh và khắc phục những hạn chế, thiếu sót.
Cũng qua kết quả thực hiện việc giao, thu hồi, xử lý dự án đã kéo dài trong 7 năm (từ năm 2012 - 2019) mà không được đầu tư, cho thấy bất cập trong quản lý dự án, cơ quan quản lý có thẩm quyền thiếu kiên quyết xử lý đối với đơn vị được giao thực hiện dự án nhưng không thực hiện đúng tiến độ, các quy định của giấy phép chấp thuận đầu tư, dẫn đến phải thu hồi và những hệ lụy khác như việc lẫn chiếm của người dân, chính quyền buộc phải dùng các biện pháp xử lý hành chính, cưỡng chế để thu hồi đất Dự án, làm gia tăng các thủ tục hành chính, chi phí quản lý và ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với cơ quan quản lý (tháng 8/2023, vẫn phải tiếp dân giải quyết vụ việc). Cơ quan quản lý có thẩm quyền cần xét xét, đánh giá vai trò trách nhiệm của Ban quản lý Dự án, các đơn vị liên quan theo các quy định của pháp luật đã để xảy ra bất cập trên./.
K. Dung