Thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội:

Từng bước phát triển thành công cụ phòng ngừa rủi ro và kênh đầu tư hiệu quả

Thứ sáu, 29/07/2022 15:58
(ThanhtraVietNam) - Ngày 10/8/2017, thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh tại Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) Hà Nội chính thức được khai trương và đi vào hoạt động với sản phẩm phái sinh đầu tiên được giao dịch trên thị trường là hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30. Trên cơ sở định hướng của Chính phủ, theo lộ trình phát triển sản phẩm từ thấp đến cao, năm 2019, Sở GDCK Hà Nội đã cho ra mắt sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn 5 năm và năm 2021, Sở GDCK Hà Nội tiếp tục đưa vào giao dịch sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm.

Hợp đồng tương lai chứng khoán phái sinh xác nhận cam kết giữa các bên để thực hiện các giao dịch mua hoặc bán một số lượng tài sản cơ sở nhất định theo một mức giá đã xác định vào một ngày đã được ấn định trong tương lai hoặc thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã được xác định trước tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở tại một ngày được ấn định trước trong tương lai.

Hợp đồng tương lai VN30 có tài sản cơ sở là chỉ số VN30, cho phép nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua/bán với rổ cổ phiếu VN30 thay vì từng loại cổ phiếu trong rổ. Mỗi hợp đồng tương lai chỉ số VN30 sẽ có 4 “tháng” đáo hạn bao gồm tháng hiện tại, tháng kế tiếp và 2 tháng cuối 2 quý gần nhất, tức là sản phẩm sẽ có 4 mã chứng khoán tương ứng. Hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 5 năm và kỳ hạn 10 năm có tài sản cơ sở là trái phiếu giả định có những đặc điểm tương tự một TPCP với mệnh giá 100.000 đồng, kỳ hạn 5 năm và 10 năm, lãi suất danh nghĩa 5%/năm, trả lãi định kỳ 12 tháng/lần, trả gốc một lần khi đáo hạn. Hợp đồng tương lai TPCP có 3 tháng đáo hạn là 3 tháng cuối 3 quý gần nhất.

Tại ngày đáo hạn, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 được thanh toán bằng tiền còn hợp đồng tương lai TPCP thanh toán bằng vật chất, người bán lựa chọn và quyết định chuyển giao trái phiếu trong rổ trái phiếu giao hàng để thực hiện nghĩa vụ thanh toán trái phiếu cho người mua. HNX công bố thông tin về danh sách trái phiếu đủ điều kiện chuyển giao khi niêm yết hợp đồng mới kèm theo hệ số chuyển đổi tương ứng với từng mã trái phiếu trong danh sách trái phiếu đủ điều kiện chuyển giao.

leftcenterrightdel
Năm 2019, Sở GDCK Hà Nội đã cho ra mắt sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm 

Sản phẩm phái sinh khác với sản phẩm trên thị trường cơ sở ở chỗ, trên thị trường cơ sở, cổ phiếu sẽ niêm yết vào ngày lên sàn và có thể bị hủy niêm yết khi không đáp ứng đủ các điều kiên niêm yết. Nhưng với chứng khoán phái sinh, do có kỳ hạn nhất định, việc niêm yết sản phẩm và hủy niêm yết thực hiện theo kỳ hạn này. Trên thị trường cơ sở, tài sản cơ sở luôn có sẵn một số lượng niêm yết nhất định (là số lượng cổ phiếu/trái phiếu được phát hành bởi tổ chức phát hành), nhưng trên TTCK phái sinh không có khối lượng niêm yết cố định. Chứng khoán phái sinh sử dụng chỉ báo là khối lượng mở (open interest) để thể hiện trạng thái rằng, hiện nay trên thị trường có bao nhiêu hợp đồng được giao kết giữa bên mua và bên bán. Do đó khối lượng của chứng khoán phái sinh là không xác định, phụ thuộc vào nhu cầu giao dịch của các bên mua và bên bán.

Đối tượng giao dịch hợp đồng tương lai VN30 bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức, trong khi đó hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm dành cho nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, còn hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm chỉ dành cho nhà đầu tư tổ chức.

Sau gần 5 năm đi vào hoạt động, TTCK phái sinh đã có bước tăng trưởng rất tốt và ổn định. Giao dịch trên thị trường diễn ra sôi động, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia. Quy mô và thanh khoản thị trường có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Khối lượng giao dịch trung bình từ 10.954 hợp đồng/phiên năm 2017 lên 185,704 hợp đồng/phiên trong 5 tháng đầu năm 2022. Khối lượng hợp đồng mở (OI) từ 8.077 hợp đồng tại thời điểm cuối năm 2017 đã tăng lên 31.756 hợp đồng vào cuối tháng 5/2022. KLGD và OI liên tiếp lập các kỷ lục mới với KLGD cao nhất đạt 440.866 hợp đồng tại phiên giao dịch ngày 13/5/2022 và OI cao nhất đạt 61.090 hợp đồng vào ngày 14/1/2021.

leftcenterrightdel
Trụ sở Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội 

Tổng hợp giao dịch phái sinh 2017 - 2022

Chỉ tiêu

Đơn vị

2017

2018

2019

2020

2021

5 tháng 2022

KLGD bình quân/phiên

hợp đồng

10,954

78,791

88,740

158,390

188,887

185,704

Khối lượng OI (cuối kỳ)

hợp đồng

8,077

21,653

16,625

40,339

31,585

31,756

TTCK phái sinh đã từng bước trở thành công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Điều này phần nào thể hiện qua việc khi thị trường cơ sở biến động mạnh, thì khối lượng giao dịch trên TTCK phái sinh tăng cao, cho dù biến động đó là tăng hay giảm. Đặc biệt, khi thị trường cơ sở giảm điểm mạnh, thị trường phái sinh còn góp phần làm giảm áp lực bán tháo trên thị trường cơ sở vì khi thị trường cơ sở giảm, nhà đầu tư thay vì phải bán cổ phiếu trên thị trường cơ sở để quản trị rủi ro danh mục đầu tư thì nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán (short) trên thị trường phái sinh. Điều đó giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư, làm cho thị trường cân bằng hơn, góp phần hạn chế đà sụt giảm của chỉ số thị trường cơ sở.

Không những thế, TTCK phái sinh còn là một kênh đầu tư sinh lời cho nhà đầu tư. Với việc được giao dịch 2 chiều và có thể mua, bán liên tục ngay trong phiên, nhà đầu tư có thể kiếm lợi nhuận ngay cả khi thị trường cơ sở giảm mạnh. Chính vì vậy, thị trường phái sinh ngày càng thu hút nhà đầu tư, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh liên tục tăng lên, tính đến cuối tháng 5/2022, trên TTCK phái sinh đã có 1.005.897 tài khoản. Có thể nói, TTCK phái sinh là giải pháp hữu hiệu để giữ chân dòng tiền ở lại TTCK, tránh tình trạng nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường khi thị trường cơ sở sụt giảm.

Sự tăng trưởng mạnh của TTCK phái sinh đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK phái sinh tăng lên hàng năm, năm sau thường tăng gấp 2 - 3 lần năm trước. Năm 2021, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 2,8% tổng KLGD trên toàn thị trường.

Hệ thống các thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh cũng phát triển nhanh chóng, từ 7 CTCK thành viên khi mới khai trương thị trường, đến nay đã có 23 CTCK thành viên. Các CTCK thành viên này đều có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 900 tỷ đồng trở lên. 

Tiếp tục phát triển đa dạng hóa sản phẩm phái sinh

Để tiếp tục phát triển sản phẩm phái sinh theo hướng phù hợp với điều kiện thị trường, trong năm 2022 Sở GDCK Hà Nội đã nghiên cứu và đề xuất nới rộng biên độ giá đối với sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm, trình VNX xem xét. Đồng thời, Sở cũng đang nghiên cứu sản phẩm hợp đồng tương lai trên sản phẩm phái sinh mới và phối hợp với Sở GDCK Việt Nam xây dựng các nội dung trong mẫu hợp đồng tương lai trên sản phẩm phái sinh mới (hợp đồng tương lai trên chỉ số mới, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu đơn lẻ, quyền chọn) để báo cáo UBCK phê duyệt triển khai.

Có thể nói TTCK phái sinh ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của TTCK Việt Nam, góp phần hoàn thiện cấu trúc TTCK, đáp ứng một trong các điều kiện bắt buộc để TTCK Việt Nam được xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian tới.


HNX
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra