Bài 1: Giải quyết hiệu quả những bất cập đang đặt ra trong thực tiễn công tác thanh tra

Thứ ba, 07/03/2023 08:40
(ThanhtraVietNam) - Thực hiện Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022, Thanh tra Chính phủ đang xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra với nhiều quy định mới được bổ sung, hướng dẫn sẽ là căn cứ, tiền để để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao vị thế ngành Thanh tra,… góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển vào năm 2045, hùng cường, thịnh vượng.

Quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra

Luật Thanh tra năm 2022 được ban hành với nhiều quy định mới được bổ sung so với Luật Thanh tra năm 2010 như: Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Thanh tra sở; về hoạt động thanh tra, Luật quy định các bước tiến hành cuộc thanh tra gồm: Chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra và kết thúc thanh tra; quy định về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra (KLTT) và giám sát hoạt động đoàn thanh tra; việc ban hành KLTT, trong đó đã có những quy định cụ thể chặt chẽ hơn về việc báo cáo trước khi ban hành KLTT, khắc phục tình trạng chậm ban hành KLTT; về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước…

Theo Luật Thanh tra năm 2022, Chính phủ sẽ quy định chi tiết các chương, điều, khoản, bao gồm: Điều 38 về Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; Điều 56 về thanh tra lại; Điều 60 về Đoàn thanh tra; Điều 79 về công khai kết luận thanh tra; Điều 87 về trưng cầu giám định; Điều 90 về yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra; Điều 91 về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra; Khoản 4 Điều 96 về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị về nội dung kết luận thanh tra và kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra; Điều 105 về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KLTT; Khoản 3 Điều 106 về xử lý vi phạm trong thực hiện KLTT..

Đại diện Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết, Dự thảo Nghị định đang được Thanh tra Chính phủ xây dựng có 9 chương với 66 điều, cụ thể hóa nhiều quy định của Luật Thanh tra. Như quy định về Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, đồng thời kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định số 97/2011/NĐ-CP quy định về thanh tra viên và cộng tác viên…

Theo đó, Thanh tra viên là người được bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật. Tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên, Thanh tra viên chính, Thanh tra viên cao cấp theo quy định tại Điều 39, 40, 41 của Luật Thanh tra và quy định tại Nghị định. Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là công chức của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, trừ trường hợp là viên chức ở cơ quan thuộc Chính phủ theo quy định của Chính phủ.

Dự thảo quy định cụ thể về trách nhiệm của Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; trách nhiệm quản lý, sử dụng thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và những việc Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành không được làm.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: quochoi.vn

Phong tỏa tài khoản khi đối tượng thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản

Về thanh tra lại, việc thanh tra lại sẽ được thực hiện khi có một trong các căn cứ: Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra đến sai lệch về nội dung của kết luận thanh tra; có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi KLTT; Người tiến hành thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc; cơ quan thanh tra cấp trên hoặc cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra nhưng chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra.

Về tổ chức Đoàn thanh tra, Đoàn thanh tra có Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra (nếu cần thiết), thành viên Đoàn thanh tra. Đi cùng với đó là các  quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục đề xuất người tham gia Đoàn thanh tra, tiêu chuẩn Trưởng đoàn thanh tra, các trường hợp không được tham gia Đoàn thanh tra, thay đổi thành viên Đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, và trình tự, thủ tục thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, bổ sung thành viên Đoàn thanh tra.

Để tránh việc tẩu tán, thất thoát tiền, tài sản của đối tượng thanh tra, Trưởng Đoàn Thanh tra sẽ yêu cầu phong tỏa tài khoản khi đối tượng thanh tra không thực hiện đúng thời gian giao nộp tiền, tài sản theo quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan thanh tra nhà nước hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc đối tượng thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản, như việc đối tượng thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện giao dịch chuyển tiền qua tài khoản khác với thông tin không rõ ràng về mục đích, nội dung, người nhận; có dấu hiệu chuyển dịch quyền sở hữu, sử dụng, cho tặng, thế chấp, cầm cố, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản; có hành vi làm sai lệch hồ sơ, sổ sách kế toán.

Cũng liên quan đến tài sản, ở phương diện thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát, Dự thảo quy định, trong quá trình tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra quyết định thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra khi có căn cứ rõ ràng về hành vi vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra thừa nhận hành vi vi phạm của mình và chủ động nộp lại tiền tài sản đã chiếm đoạt, sử dụng trái phép.

Khi đó, việc xử lý tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật sẽ được xử lý: Đối với tài là tiền được chuyển vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thanh tra; đối với tài sản là bất động sản thì yêu cầu, kiến nghị cơ quan nhà nước thu hồi theo thẩm quyền; đối với tài sản là động sản và giấy tờ có giá thì căn cứ vào tình hình thực tế giao cơ quan có thẩm quyền quản lý; đối với tài sản là hàng hóa có yêu cầu đặc biệt trong việc bảo quản thì giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện quản lý./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra