Bỏ bước giám sát sau thanh tra trong quy định mới về giám sát ngân hàng

Thứ hai, 08/08/2022 16:24
(ThanhtraVietNam) – Theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, kể từ 01/9/2022, trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng sẽ có 3 bước, không còn bao gồm bước 4 là “giám sát sau thanh tra khi nhận được kết luận thanh tra về đối tượng giám sát ngân hàng từ đơn vị thực hiện thanh tra ngân hàng” như quy định trước đây.

Ngày 30/6/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 08/2022/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng (có hiệu lực từ 01/9/2022) thay thế Thông tư số 08/2017/TT-NHNN ngày 01/8/2017 quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng và Thông tư số 04/2018/TT-NHNN ngày 12/3/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-NHNN ngày 01/8/2017.

Theo quy định mới này, trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng thực hiện theo 3 bước như sau: thu thập, tổng hợp, xử lý tài liệu, thông tin, dữ liệu (bước 1); thực hiện các nội dung giám sát tuân thủ và/hoặc giám sát rủi ro (bước 2); và lập báo cáo giám sát, đề xuất các biện pháp xử lý (bước 3).

Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định của Chính phủ về việc thực hiện kết luận thanh tra và quy định tại Thông tư này.

leftcenterrightdel
Đơn vị thực hiện giám sát an toàn vi mô là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, được giao nhiệm vụ giám sát an toàn vi mô theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và quy định của pháp luật 

Về các biện pháp xử lý trong giám sát ngân hàng, Thông tư nêu rõ, căn cứ vào kết quả giám sát ngân hàng, đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng thực hiện cảnh báo, khuyến nghị đối với đối tượng giám sát ngân hàng; tùy theo mức độ an toàn, lành mạnh và vi phạm pháp luật của đối tượng giám sát ngân hàng, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh theo thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý quy định tại Điều 25 Nghị định số 26/2014/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng; áp dụng hình thức giám sát tăng cường đối với đối tượng giám sát ngân hàng; kiến nghị tiến hành thanh tra, kiểm tra đối tượng giám sát ngân hàng khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, dấu hiệu rủi ro, không an toàn trong hoạt động; sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ, ngân hàng (nếu có).

Giám sát ngân hàng bao gồm giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô. Giám sát an toàn vi mô là hình thức giám sát an toàn đối với từng đối tượng giám sát vi mô (gồm: tổ chức tín dụng, trừ ngân hàng chính sách thực hiện theo các quy định của pháp luật; chi nhánh ngân hàng nước ngoài; chi nhánh của tổ chức tín dụng…). Giám sát an toàn vĩ mô là hình thức giám sát an toàn hệ thống hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó bao gồm nhóm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống và nhóm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân theo loại hình hoạt động, loại hình sở hữu.

 

Ngô Tân
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra