Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời 3 kiến nghị của cử tri Tây Ninh

Thứ sáu, 21/08/2020 14:55
(ThanhtraVietNam) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) mới ban hành văn bản số 3033/BVHTTDL-VP trả lời 03 nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh về các vấn đề: quảng cáo, quản lý hoạt động trò chơi dân gian có thưởng và karaoke di động.

Theo nội dung kiến nghị do Ban Dân nguyện chuyển đến Bộ VHTTDL, cử tri tỉnh Tây Ninh đề nghị sớm ban hành các quy định pháp luật cụ thể về quảng cáo gắn với biển hiệu, quảng cáo bằng băng-rôn trên các tuyến đường công cộng; quản lý các hoạt động trò chơi dân gian có thưởng và karaoke di động.

Ngày 18/8/2020, Bộ VHTTDL ban hành văn bản số 3033/BVHTTDL-VP trả lời nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh. Theo đó, Luật Quảng cáo năm 2012 đã quy định cụ thể từ Điều 27 đến Điều 34 tại Mục 4 về Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo và phương tiện giao thông. Theo đó, đã quy định rõ các điều kiện, hình thức, nội dung quảng cáo trên bảng quảng cáo, biển hiệu, băng-rôn.

Ngoài ra, Luật Quảng cáo năm 2012 cũng quy định việc đặt bảng quảng cáo, băng-rôn phải tuân thủ quy định về khu vực bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa; hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia; không được che khuất đèn tín hiệu giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng; không được chăng ngang qua đường giao thông và phải tuân thủ quy hoạch quảng cáo của địa phương và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành (Khoản 1 Điều 27) để đảm bảo đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan cũng như thực tế của từng địa phương và trật tự mỹ quan đô thị.

Đặc biệt, theo yêu cầu xây dựng Quy hoạch Quảng cáo tại các địa phương quy định tại Điều 37 và Điều 38 Luật Quảng cáo năm 2012 và Chương IV Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, đến nay toàn quốc đã có 55/63 địa phương phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời và đang triển khai thực hiện.

Về việc kiểm soát nội dung quảng cáo, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định thủ tục Thông báo sản phẩm quảng cáo (Điều 29 và Điều 30) đến cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương. Quy định này giúp chính quyền có thể hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định cũng như quản lý một cách hiệu quả sản phẩm quảng cáo trên băng-rôn, biển hiệu.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa, internet

Bên cạnh đó, hoạt động trò chơi dân gian có thưởng đã được quy định tại Điều 3 và Điều 36 Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 11/6/2009 của Chính phủ quy định về ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Khi tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động trò chơi dân gian có thưởng phải tuân thủ theo quy định trên.

Trường hợp vi phạm sẽ thực hiện theo quy định xử phạt tại Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch và quảng cáo; Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 của Chính phủ quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo Bộ VHTTDL, vấn đề karaoke di động đã quy định cụ thể tại Điều 4 (điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke) Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Tuy nhiên, hoạt động trò chơi dân gian có thưởng nêu trên không thuộc hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke theo quy định.

Về việc cá nhân đi hát rong tại một số khu vực ở địa phương gây ồn ào, mất trật tự làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, Bộ VHTTDL cho biết, UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan, căn cứ Điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình, chỉ đạo các cấp chính quyền, cơ quan an ninh tại địa phương thực hiện quản lý theo đúng thẩm quyền.

Một nội dung được cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị là đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 theo hướng có quy định bổ sung hình thức xử phạt “cắt liên lạc đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng thuê bao điện thoại để quảng cáo rao vặt không đúng quy định làm mất mỹ quan đô thị nơi công cộng”.

Bộ VHTTDL cho biết, quảng cáo rao vặt không đúng quy định làm mất mỹ quan đô thị nơi công cộng đã được quy định tại Điều 51, Điều 61 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo với các hình thức phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.

Đối với đề nghị bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả “cắt liên lạc đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng thuê bao điện thoại để quảng cáo rao vặt không đúng quy định làm mất mỹ quan đô thị nơi công cộng” đang được Quốc hội cho ý kiến vì dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính dự kiến quy định biện pháp này. Mặt khác, đây là loại hình giao dịch dân sự giữa nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng nên việc ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông được thực hiện theo quy định của Luật Viễn thông./.

PV

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra