Cụ thể, theo điều 62 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt của Thanh tra. Theo đó, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 500.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức. Đồng thời, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt nêu trên.
Chánh Thanh tra sở và các chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức. Bên cạnh đó, có quyền tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xăng dầu, Giấy phép kinh doanh khí có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định trên.
Chánh Thanh tra bộ có quyền phạt đến 2 tỷ đồng với tổ chức vi phạm về khai thác dầu khí
Đáng chú ý, Khoản 3 Điều 62 của Nghị định quy định: Chánh Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Cục trưởng Cục Hóa chất, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp và các chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có quyền: Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Nghị định này; phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 200.000.000 đồng đối với tổ chức đối với các hành vi vi phạm khác quy định tại Nghị định này.
Đồng thời, có quyền tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xăng dầu, Giấy phép kinh doanh khí có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Cùng với việc phạt tiền, tịch thu tang vật, tất cả những người có thẩm quyền nêu trên đều được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.
Trong khi đó: “Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Khoản 2 Điều 62”.
Về thẩm quyền của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ, Khoản 5 Điều 62 quy định:
“a) Phạt tiền đến 250.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 500.000.000 đồng đối với tổ chức đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Nghị định này; phạt tiền đến 70.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 140.000.000 đồng đối với tổ chức đối với các hành vi vi phạm khác quy định tại Nghị định này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xăng dầu, Giấy phép kinh doanh khí có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm a khoản này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này”.
Việc phân định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND, Công an nhân dân, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam, Quản lý thị trường và Thanh tra được quy định cụ thể tại Khoản 7 Điều 63. Trong đó, những người có thẩm quyền của Thanh tra chuyên ngành Công Thương, Thanh tra chuyên ngành về giá, Thanh tra chuyên ngành Tài nguyên và Môi trường và Thanh tra chuyên ngành Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 62 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Nghị định số 99/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 11/10/2020, thay thế Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí./.
H.T