Đó là vị trí chức năng của BHXH Việt Nam nêu rõ định tại Nghị định 89/2020/NĐ-CP ngày 04/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam.
Nghị định gồm 4 Chương, 13 Điều, có hiệu lực từ 20/9/2020 và thay thế Nghị định 01/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam và hết hiệu lực một phần Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc.
BHXH Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về BHXH, BHTN; của Bộ Y tế về BHYT; của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ BHXH, BHTN, BHYT.
Một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của BHXH Việt Nam là thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đóng BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật. Đồng thời, giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật; khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam; xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm và các dự án, đề án khác của BHXH Việt Nam thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch, dự án, đề án sau khi được phê duyệt; tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT; quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHTN, BHYT; thực hiện hợp tác quốc tế về BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật…
Trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam. (ảnh: Minh Nguyệt)
Về cơ cấu tổ chức, BHXH Việt Nam được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc, tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, gồm có: Ở Trung ương là BHXH Việt Nam; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực thuộc BHXH Việt Nam; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là BHXH huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực thuộc BHXH tỉnh.
Một điểm mới đáng lưu ý về cơ cấu tổ chức được quy định tại Nghị định 89/2020/NĐ-CP là không tổ chức đơn vị BHXH huyện tại đơn vị hành chính là thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, nơi có trụ sở BHXH cấp tỉnh đóng trên địa bàn.
BHXH Việt Nam có Tổng Giám đốc và không quá 05 Phó Tổng Giám đốc. Cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam ở Trung ương bao gồm 21 đơn vị: Vụ Tài chính - Kế toán; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Thanh tra - Kiểm tra; Vụ Thi đua - Khen thưởng; Vụ Kế hoạch và Đầu tư; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Pháp chế; Vụ Quản lý đầu tư quỹ; Vụ Kiểm toán nội bộ; Ban Thực hiện chính sách BHXH; Ban Thực hiện chính sách BHYT; Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ; Văn phòng (có đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh); Viện Khoa học BHXH; Trung tâm Truyền thông; Trung tâm Công nghệ thông tin; Trung tâm Lưu trữ; Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến; Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng; Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH; Tạp chí BHXH.
Trách nhiệm, mối quan hệ giữa BHXH Việt Nam với các bộ, ngành được quy định cụ thể tại Điều 8 Chương II. Trong đó, về thanh tra, kiểm tra: Kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện BHXH, BHTN theo quy định của pháp luật; chịu sự thanh tra, kiểm tra của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHTN.
Kiến nghị Bộ Y tế thanh tra, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện BHYT theo quy định của pháp luật; chịu sự thanh tra, kiểm tra của Bộ Y tế trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHYT.
Chịu sự thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài chính trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với các quỹ BHXH, BHTN, BHYT.
Ngoài ra, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT khi có yêu cầu và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về 3 lĩnh vực này. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và các cơ quan, tổ chức ở địa phương xử lý vấn đề trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT; trong trường hợp cần thiết báo cáo UBND cấp tỉnh thực hiện biện pháp cần thiết để xử lý vấn đề trốn đóng, chậm đóng nêu trên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng về BHXH, BHTN, BHYT của người lao động./.
Minh Nguyệt