Theo Quyết định số 638/QĐ-BNV quy định về phương thức thực hiện, chuyển đổi vị trí công tác cùng chuyên môn, nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác hoặc giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý trong đơn vị; giữa các đơn vị trong phạm vi quản lý của Bộ, bảo đảm khách quan, hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị.
Đối với đơn vị chỉ có một vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí còn lại của đơn vị đó thì báo cáo người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp lập kế hoạch chuyển đổi chung. Việc chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện bằng văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Việc thực hiện chuyển đổi được quy định cụ thể như sau: chưa thực hiện chuyển đổi đối với người đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật; đang bị kiểm tra, xác minh, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; người đang đi học tập trung từ 12 tháng trở lên, người đang biệt phái; phụ nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; nam giới đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi do vợ mất hoặc trong trường hợp khách quan khác. Đồng thời, không thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với người có thời gian công tác còn lại dưới 18 tháng cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Bộ Nội vụ chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức đang trong thời gian bị bị kiểm tra, thanh tra. Ảnh minh họa
Quyết định số 638/QĐ-BNV quy định cụ thể danh mục thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác có thời hạn là 05 năm. Theo đó, căn cứ thực tiễn của đơn vị, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí việc làm có thể dưới 05 năm nhưng không được dưới 02 năm và phải báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định, cụ thể:
Thứ nhất, nhóm công việc quản lý ngân sách, tài sản trong cơ quan, tổ chức, đơn vị: phân bổ ngân sách; kế toán; mua sắm công.
Thứ 2, nhóm trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc: thẩm định hồ sơ nhân sự để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; thẩm định hồ sơ nhân sự để trình cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức; thẩm định hồ sơ nhân sự để trình cấp có thẩm quyền đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức; tổ chức thi nâng ngạch công chức; thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Thứ 3, nhóm công việc thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về tổ chức bộ máy; thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về biên chế; thẩm định các đề án thành lập, sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước; thẩm định các đề án thành lập mới, sắp xếp lại các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ trong nước.
Thứ 4, nhóm thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền quyết định các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; thẩm định hồ sơ người có công; thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền quyết định các hình thức kỷ luật; phân bổ chỉ tiêu, ngân sách đào tạo, bồi dưỡng; quản lý, thực hiện chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Và nhóm công việc liên quan đến thẩm định dự án; đấu thầu và quản lý đấu thầu; lập, phân bổ, quản lý kế hoạch vốn; quản lý ODA. Tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng thuộc các trường công lập; làm công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng của đơn vị; công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
Bộ Nội vụ yêu cầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ căn cứ thời hạn và danh mục vị trí công tác thực hiện định kỳ chuyển đổi theo quy định và tình hình thực tế của đơn vị, ban hành kế hoạch việc thực hiện định kỳ chuyển đổi từ bộ phận này sang bộ phận khác hoặc giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý trong đơn vị, Quyết định 638/QĐ-BNV nhấn mạnh./.