Từ ngày 01/7/2021, thời điểm có hiệu lực của Luật Cư trú mới, người dân đang quan tâm, khi có thay đổi thông tin về cư trú, cơ quan công an có thu hồi sổ hộ khẩu và có cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hay không? Những sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp có còn được sử dụng và có giá trị đến lúc nào? Nếu thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì xử lý như thế nào? Khi người dân đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cập nhật vào cơ sở dữ liệu, thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và cấp mới các loại sổ này được thực hiện như thế nào…
Nhằm làm rõ những quy định liên quan đến vấn đề này, Phóng viên Tạp chí Thanh tra đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Giám đốc Công ty Luật HTC Việt Nam, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội về một số nội dung liên quan đến hộ khẩu, mã định danh các nhân và triển khai căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp… mà độc giả quan tâm.
PV: Luật sư có thể cho biết các qui định của pháp luật hiện hành liên quan đến sổ hộ khẩu hiện nay?
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Hiện tại, vấn đề sổ hộ khẩu được qui định tại Luật Cư trú năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2013. Các qui định chung về sổ hộ khẩu được nêu tại Điều 24 Luật cư trú như sau:
“1. Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.
2. Sổ hộ khẩu bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại.
3. Bộ Công an phát hành mẫu sổ hộ khẩu và hướng dẫn việc cấp, cấp lại, đổi, sử dụng, quản lý sổ hộ khẩu thống nhất trong toàn quốc.”
Bên cạnh đó, sổ hộ khẩu có được cấp cho từng hộ gia đình hoặc cho từng cá nhân. Sổ hộ khẩu chính là một hình thức quản lý nhân khẩu trong các hộ gia đình có chức năng xác định nơi thường trú hợp pháp của công dân. Đây là công cụ và thủ tục hành chính giúp nhà nước quản lí việc di chuyển sinh sống của công dân Việt Nam. Sổ hộ khẩu cũng là căn cứ để nhà nước phân định thẩm quyền xử lý các vấn đề pháp lý có liên quan tới cá nhân đó.
Luật Sư Nguyễn Doãn Hùng, Giám đốc Công ty Luật HTC Việt Nam. Ảnh PV
PV: Lợi ích của việc thay thế việc quản lý cư trú từ phương thức thủ công bằng sổ hộ khẩu giấy sang sử dụng mã số định danh cá nhân là như thế nào? Luật sư có thể cho biết?
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Việc quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu đã được thực hiện trong một thời gian rất dài. Tuy nhiên trước sự phát triển của công nghệ 4.0 thì việc thay đổi sự quản lý dân cư bằng việc ứng dụng công nghệ hiện tại là rất cần thiết. Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân sẽ góp phần công khai, minh bạch, đơn giản hóa, tiến tới loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà. Công dân khi đi giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính sẽ không phải mang theo nhiều loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn,… Cùng với đó, việc thay đổi này sẽ hạn chế tình trạng gây nhũng nhiễu, phiền hà của một số cán bộ cho người dân từ đó tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội.
Trên phương diên pháp lý, việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu sẽ giúp cho các luật sư dễ dàng xác định một cách chính xác và nhanh chóng thông tin của khách hàng cũng như các cá nhân liên quan (tình trạng nhân thân, quan hệ hôn nhân hay vấn đề tài sản…
PV: Việc thực hiện quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân thay thế cho sổ hộ khẩu có thể gặp những khó khăn nào trong quá trình triển khai, thưa Luật sư?
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Hiện nay có rất nhiều thủ tục hành chính theo yêu cầu là cần có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để thực hiện. Bên cạnh đó là rất nhiều nghị định và thông tư hướng dẫn các vấn đề liên quan tới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Vì vậy khi chuyển sang phương thức quản lý mới, yêu cầu đặt ra là sự đồng bộ giữa quy định mới và các văn bản đã có trong hệ thống pháp luật về quản lý dân cư, đảm bảo không bị chồng chéo giữa các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó là vấn đề bảo mật thông tin của công dân trong các giao dịch dân sự khi sử dụng số định danh cá nhân. Điều này đòi hỏi các cơ quan đăng ký cư trú theo quy định mới của luật (cơ quan công an từ cấp xã) phải được trang bị đủ máy móc, thiết bị, hạ tầng mạng; cán bộ, chiến sĩ đủ năng lực để thực hiện việc cập nhật, quản lý, xử lý thông tin về cư trú trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
PV: Hiện nay, người dân đang rất quan tâm đến CCCD gắn chíp, xin Luật sư cho biết có CCCD này có liên quan gì đến hoạt động cấp mã số định danh cá nhân trong công tác quản lý dân cư?
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Mã số định danh cá nhân là dãy số gồm 12 chữ số, xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC), cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ đến khi chết, không thay đổi trong suốt cuộc đời, không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu thông tin công dân trên CSDLQGVDC và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Đây cũng là số gốc để truy nguyên chính xác về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ yêu cầu quản lý của ngành, lĩnh vực và được sử dụng làm cơ sở để liên kết thông tin cá nhân trong các cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực, bảo đảm thống nhất thông tin.
Về CCCD, theo điều 20 Luật Căn cước công dân, thẻ CCCD là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về CCCD của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ CCCD được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ CCCD thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
Đối với những người đã làm thẻ CCCD (với số thẻ 12 số), số thẻ CCCD chính là số định danh cá nhân. Số Chứng minh nhân dân (9 số) không phải là số định danh cá nhân. Do vậy, những người chưa được cấp số định danh cá nhân theo quy định thì cần làm thủ tục cấp thẻ CCCD.
Hiện nay, thực hiện theo quy định của Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành, trẻ em ngay từ khi sinh ra sẽ được cấp số định danh cá nhân. Mã số định danh cá nhân này chính là số thẻ CCCD khi công dân đủ 14 tuổi đi làm thủ tục cấp thẻ CCCD. Đối với trường hợp công dân đã được cấp thẻ CCCD thì số thẻ CCCD của công dân là số duy nhất cấp cho công dân đó và không thay đổi khi công dân chuyển nơi đăng ký thường trú đến các tỉnh, thành phố khác.
Như vậy, việc triển khai CCCD gắn chíp với việc tích hợp nhiều thông tin cá nhân sẽ góp phần giảm thiểu thời gian khi xin cấp mã định danh cá nhân sau này.
PV: Xin cảm ơn Luật sư về cuộc trao đổi!
Hồng Dân