Cần thiết miễn giảm thuế cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Lê Chân.
Doanh nghiệp mong mỏi vì đang hứng chịu những ảnh hưởng khiến sản xuất đình trệ, trong khi các chi phí của doanh nghiệp nếu có giảm thiểu được khi ngừng sản xuất thì cũng không thể bù đắp nổi cho những thiệt hại, tổn thất nặng nề do dịch bệnh gây ra.
Doanh nghiệp ngừng sản xuất thì đối tượng bị ảnh hưởng trước tiên không ai khác chính là người lao động. Bởi không có việc làm (chí ít là tạm thời), thu nhập giảm sút thì đời sống người lao động và gia đình họ chắc chắn bị ảnh hưởng.
Đáng nói hơn, trong bối cảnh 19 tỉnh, thành ở phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc thậm chí còn nghiêm ngặt hơn tại một số địa phương, một số khâu trong chuỗi cung ứng hàng hóa, sản phẩm thiết yếu bị đứt gãy, khiến vật giá có thời điểm tăng mạnh, đặc biệt là các mặt hàng rau xanh, củ, quả, trứng, thịt gia súc, gia cầm… Bằng chứng là chỉ số giá cả CPI tháng 7.2021 đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Trong cái khó của người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp, đắp đổi qua ngày còn có những chương trình hỗ trợ, từ thiện xã hội giúp cho cái ăn, vật dụng sinh hoạt hàng ngày.
Nhưng đối với doanh nghiệp thì không thể trông chờ và sự hỗ trợ đó. Doanh nghiệp đang đình đốn sản xuất cần có sự hỗ trợ mạnh hơn từ chính sách, nhưng cần rất khẩn trương. Chính sách hỗ trợ mà cụ thể là miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, sẽ giúp cho doanh nghiệp tăng sức đề kháng, càng sớm ngày nào càng có lợi cho “cơ thể sống” của doanh nghiệp ngày đó. Doanh nghiệp gượng dậy được thì người lao động cũng được nhờ.
Việc miễn, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp lúc này cũng không chỉ cần các giải pháp cấp thời để “cấp cứu”, mà còn cần có tính hỗ trợ ngắn hạn và trung hạn chí ít từ 6 tháng đến 1 năm, để doanh nghiệp dần hồi phục sản xuất, người lao động cũng dần quay trở lại với các nhà máy, công xưởng.
Các sắc thuế quan trọng mà người dân và doanh nghiệp mong chờ được miễn giảm như thuế thu nhập (cá nhân và doanh nghiệp), thuế giá trị gia tăng (đối với các mặt hàng thiết yếu), tiền thuê đất, thuế đất...
Những ngày qua, chuỗi cung ứng đóng vai trò cực kỳ quan trọng để đảm bảo hàng hóa thiết yếu, thực phẩm cung ứng cho hàng chục triệu người dân trong thời gian giãn cách xã hội hạn chế ra khỏi nhà, nhiều khu vực thậm chí còn bị phong tỏa.
Vai trò và đóng góp của chuỗi cung ứng giúp yên dân về cái ăn và đồ dùng thiết yếu, nguyên vật liệu sản xuất… trong bối cảnh dịch bệnh cần được đánh giá đúng và ghi nhận để từ đó có chính sách miễn, giảm thuế phù hợp, qua đó khích lệ được tinh thần của những doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng vốn gặp vô vàn khó khăn, trở ngại trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo Laodong.vn