Thủ tục, trình tự về miễn, giảm học phí
Nghị định này áp dụng đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đang học tại các CSGD thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp; các CSGD thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đáng chú ý, mục 2 Chương IV quy định về quy trình thủ tục thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và phương thức chi trả. Theo đó, Hồ sơ thủ tục thực hiện miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền đóng học phí đối với người học tại các CSGD mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên (GDTX), giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, gồm: Đơn đề nghị; bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao từ sổ gốc giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được miễn, giảm.
Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị, người có trách nhiệm của các CSGD xét duyệt, thẩm định hồ sơ và lập danh sách đối tượng được hỗ trợ miễn, giảm gửi cho cơ quan chức năng.
Về cơ chế, việc miễn, giảm học phí sẽ được thực hiện trong suốt thời gian học tập tại nhà trường, trừ trường hợp có những thay đổi về lý do miễn hoặc giảm học phí. Ngân sách nhà nước có trách nhiệm cấp bù tiền miễn, giảm học phí đối với người học tại CSGD công lập.
Trường hợp có sự trùng lặp về đối tượng hưởng chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập quy định tại Nghị định này với các văn bản quy phạm pháp luật khác đang thực hiện có mức hỗ trợ cao hơn thì được hưởng theo mức hỗ trợ cao hơn quy định tại văn bản pháp luật khác.
Các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập của các cấp học được quy định cụ thể tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ. (Ảnh minh hoạ - Hoàng Minh)
Không áp dụng miễn, giảm học phí một số trường hợp
Tuy nhiên, Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định rất cụ thể đối với một số trường hợp không áp dụng miễn, giảm học phí/hỗ trợ chi phí học tập, như sau:
Đối với trường hợp đang hưởng lương và sinh hoạt phí khi đi học, các trường hợp học cao học, nghiên cứu sinh (trừ đối tượng quy định tại Khoản 14, Khoản 16 Điều 15 Nghị định này).
Đối với người học trong trường hợp đã hưởng chế độ này tại một CSGD nghề nghiệp hoặc CSGD đại học, nay tiếp tục học thêm ở một CSGD nghề nghiệp và giáo dục đại học khác cùng cấp học và trình độ đào tạo. Nếu người học thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí đồng thời học ở nhiều CSGD hoặc nhiều khoa, nhiều ngành trong cùng một trường thì chỉ được hưởng một chế độ ưu đãi.
Đối với người học theo hình thức GDTX và đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn tại các cơ sở GDTX trừ trường hợp các đối tượng học các cấp học thuộc chương trình giáo dục phổ thông theo hình thức GDTX.
Trong thời gian người học bị kỷ luật ngừng học hoặc buộc thôi học, học lưu ban, học lại, học bổ sung. Trường hợp người học phải dừng học; học lại, lưu ban (không quá một lần) do ốm đau, tai nạn hoặc dừng học vì lý do bất khả kháng không do kỷ luật hoặc tự thôi học thì thủ trưởng cơ sở giáo dục xem xét cho tiếp tục học tập theo quy định và tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị định này.
Quy định mức trần của dịch vụ giáo dục
Một trong những nội dung đáng chú ý khác tại Nghị định là quy định về mức trần giá dịch vụ tại Chương V. Mức trần của giá dịch vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, đào tạo đại học, giáo dục nghề nghiệp thực hiện đặt hàng ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao hoặc yêu cầu đặc biệt về chất lượng đào tạo do bộ, ngành hoặc UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành, đảm bảo bù đắp chi phí hợp lý, hợp lệ, nhu cầu đào tạo và tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục đào tạo.
Trong năm học 2021-2021, tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP, Chính phủ quy định mức trần dịch vụ của từng cấp học. Theo đó, giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tối đa bằng mức học phí quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định này; giáo dục đại học tối đa bằng mức học phí quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định này; giáo dục nghề nghiệp tối đa bằng mức học phí quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này. Tuy nhiên, mức trần dịch vụ của các cấp học từ năm học 2022-2023 sẽ có sự thay đổi.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/10/2021 và thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với CSGD thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 và Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 16/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ./.
Hoàng Minh