Nghị định 31/2020/NĐ-CP: “Đột phá” nhưng vẫn còn không ít băn khoăn

Thứ năm, 14/05/2020 16:07
(ThanhtraVietNam) - Kể từ ngày 1/5/2020, người vi phạm khi tham gia giao thông có thể tự bảo quản phương tiện của mình mà không bị lực lượng chức năng ra quyết định tạm giữ như trước. Việc cho phép người dân tự bảo quản phương tiện được coi là bước “đột phá” để giải quyết vấn đề quá tải tại các bãi tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên, phải áp dụng như thế nào để có hiệu quả như mong đợi?

Thời gian qua, có hàng triệu phương tiện xe ô tô và xe mô tô bị tạm giữ do vi phạm luật giao thông. Trong đó có hàng trăm ngàn phương tiện quá thời hạn tạm giữ, có quyết định xử phạt nhưng người vi phạm, chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp không đến để giải quyết, và rất nhiều xe trong số này đã thành sắt vụn, trong đó có cả những xe ô tô và xe máy đắt tiền như xe máy SH, SH mode, Vespa LX…, ô tô Camry….

Mặc dù các ngành chức năng đã cố gắng giải quyết phương tiện tồn đọng như tiến hành giám định, đăng thông báo và niêm yết công khai tại các cơ quan chức năng, tuy nhiên, đến nay vẫn còn hàng ngàn phương tiện vi phạm đã hết thời gian tạm giữ nhưng không có người đến nhận, gây áp lực lớn về kho bãi giữ xe, nhân sự trông coi, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo quy định, nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải là nhà, kho, bến, bãi, âu thuyền, cảng, trụ sở cơ quan hoặc nơi khác do người có thẩm quyền tạm giữ, tịch thu quyết định và phải bảo đảm các điều kiện. Ví dụ như, nơi tạm giữ là nhà, kho, bãi thì phải bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự; có hàng rào bảo vệ, nội quy ra, vào, nội quy về bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy; phải bảo đảm khô ráo, thoáng khí. Trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện ở ngoài trời thì phải bố trí mái che hoặc có các biện pháp phòng, chống mưa, nắng; phải có hệ thống thiết bị chiếu sáng; trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và thiết bị, phương tiện kỹ thuật phù hợp cho việc quản lý, bảo quản từng loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.

Hay quy định đối với nơi tạm giữ là trụ sở cơ quan hoặc trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định này thì phải có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn phòng, chống cháy, nổ, bảo đảm khô ráo, thoáng khí; có hệ thống thiết bị chiếu sáng, trang bị phương tiện, thiết bị phù hợp phục vụ cho việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu…

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - Internet 

Quy định là vậy, tuy nhiên, hiện nay, nhiều đơn vị công an có bãi giữ xe với mái che kiên cố, nhưng do số lượng xe vi phạm lớn dẫn tới tình trạng quá tải, nhiều xe vẫn phải để ngoài trời, đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, “dầm mưa, dãi nắng”. Thời gian sau, phương tiện sẽ bị bụi phủ kín, thậm chí nằm ngả nghiêng, rỉ sét, hư hỏng nghiêm trọng. Ngoài ra, quy trình, thủ tục nhằm “thanh lý” hay “tiêu hủy” những phương tiện này cũng còn khá là bất cập. Hay kể cả việc việc giải quyết thủ tục hành chính để cho xe vi phạm ra khỏi bãi cũng đang vướng một khó khăn lớn, đây cũng là lý do khiến các chủ phương tiện “ngại” các thủ tục hành chính để chứng minh vì nhiều phương tiện đã được mua đi bán lại nhiều lần, khó xác định chủ nhân chính xác hiện tại của phương tiện.

Đáng nói hơn là sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, trong đó, tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Bên cạnh đó, người điều khiển xe mô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ vi phạm như trên cũng sẽ bị phạt từ 400-600 ngàn đồng. Như vậy, đã khó lại càng khó hơn, khi tăng nặng mức phạt tiền như vậy, nhiều chủ nhân có phương tiện giá trị thấp có thể sẵn sàng bỏ luôn phương tiện của mình khiến công tác tạm giữ xe vi phạm giao thông càng trở nên “tê liệt”.

Để giải quyết những hệ lụy nêu trên, ngày 5/3/2020 Chính phủ vừa ban hành Nghị định 31/2020/NĐ-CP (Nghị định 31), có hiệu lực từ ngày 01/05/2020 về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính có hiệu lực. Với quy định mới này sẽ từng bước tháo gỡ những bất cập, khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vốn đã tồn tại nhức nhối từ nhiều năm qua.

Theo đó, việc tạm giữ xe được các cơ quan chức năng chỉ áp dụng trong trường hợp thật cần thiết như: Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự; phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông; giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa. Hay nghi ngờ, phát hiện biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy.

Ngoài các trường hợp trên, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có một trong hai điều kiện dưới đây thì người có thẩm quyền tạm giữ có thể giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ, đó là: Cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng. Tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện hoặc tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.

Sau khi người có thẩm quyền tạm giữ ra quyết định cho đặt tiền bảo lãnh, tổ chức, cá nhân có thể nộp tiền đặt bảo lãnh trực tiếp hoặc qua tài khoản cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện. Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm; trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm.

Về vấn đề này, ông Quang, phố Cửa Bắc cho rằng, “Mặc dù, Nghị định 31 đã điều chỉnh được một số bất cập từ Nghị định tiền thân trước đó, tuy nhiên, để không bị “giam” xe, tôi thấy vẫn còn nhiều thủ tục khá “nhiêu khê”, theo tôi là không mấy cần thiết. Nếu không có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì họ phải “chứng minh” việc mình đủ điều kiện mang phương tiện về tự bảo quản, hoặc giả có “chứng minh” được họ cũng ngại thực hiện. Nếu được, có thể rút ngắn thời gian việc tạm giữ phương tiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính, có thể qua điện tử, số hóa cho nhanh gọn thì khả năng giảm thiểu được việc lạm dụng giam xe, quá tải bến bãi, gây tốn kém cả về con người và tiền bạc cho cả chủ phương tiện lẫn cơ quan chức năng”.

Khi được PV chia sẻ, phổ biến một số nội dung cơ bản của Nghị định mới này, ông Đỗ Văn D rất hồ hởi, phấn khởi bày tỏ, "hiện nay, khi vi phạm luật giao thông bị tịch thu phương tiện thì tiền thuê bến bãi theo ngày và tiền thuê xe kéo là khá cao. Bên cạnh đó, khi di chuyển xe về bãi có thể khiến phương tiện bị tróc sơn, trầy xước... Nghị định 31 “ra đời” khiến người dân chúng tôi được mang xe về nhà và tự mình bảo quản thật tuyệt vời, đỡ cảm giác “xót” và “mất giá” xe. Tuy nhiên, những người dân có ý thức thì không sao. Những người không có ý thức, kể cả viết cam kết, họ vẫn tiếp tục vi phạm và sử dụng phương tiện vi phạm để tiếp tục tham gia giao thông thì cơ quan chức năng phải có chế tài gì để xử lý”.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, ông Hoàng T. cũng bày tỏ một số băn khoăn về chế tài quản lý, giám sát phương tiện vi phạm tại nhà người dân sẽ như thế nào? Ai sẽ là người giám sát? Liệu có hay không việc mua bán, trao tay phương tiện đang vi phạm này? Ông Hoàng T. cũng đưa đề xuất, khi cơ quan nhà nước tạo điều kiện cho người dân được mang phương tiện về nhà thì có thể gửi danh sách các trường hợp vi phạm về tổ dân phố, về phường/ xã để chính quyền địa phương, người dân khu phố cùng chung tay giám sát. Theo ông Hoàng T. đây chính là “lực lượng” “sát” và “sâu” nhất có thể cùng cơ quan chức năng thực thi “công lý”.

Theo quan điểm của Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, thời gian qua, quá trình xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cơ quan nhà nước, đặc biệt là cơ quan công an đã phải rất vất vả để thu xếp những bãi giữ xe có sức chứa lên đến hàng triệu chiếc xe máy cũng như là ô tô tại Việt Nam, hình thức tạm giữ phương tiện giao thông gây ra rất nhiều người khó khăn vất vả và tốn kém cho cả nhà nước cũng như những người vi phạm. Rõ ràng việc tạm giữ phương tiện là một trong những hình thức xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trong đó, cơ bản vẫn là ý thức chấp hành của người tham gia giao thông khi vẫn còn nhiều trường hợp không chịu hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình phát hiện và xử lý vi phạm. “Đến nay, khi nhà nước đã quyết định rằng, không nhất thiết phải áp dụng các biện pháp tạm giữ đối với phương tiện giao thông, theo tôi, đây là quyết định rất đúng đắn. Như vậy, Nghị định sẽ góp phần giúp chúng ta giải quyết được bài toán trong công tác tạm giữ phương tiện giao thông gây tốn kém, lãng phí tài sản của nhà nước, của công dân, giảm thiểu hư hại của phương tiện khi bị tạm giữ”, Luật sư Trương Anh Tú khẳng định.

Có thể nói, Nghị định 31 là bước ngoặt lớn để giải quyết “vấn nạn” quá tải tại các bãi trông giữ xe vi phạm, gây thiệt hại nhiều về kinh tế. Tuy nhiên, cần phải có những quy định rõ ràng, chặt chẽ và cụ thể để không phát sinh tiêu cực, khiến Nghị định mang lại hiệu quả tốt nhất?

Lan Anh

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra