Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025:

Phải lượng hoá được lợi ích mang lại cho doanh nghiệp, người dân và xã hội

Thứ hai, 18/05/2020 16:58
(ThanhtraVietNam) – Đó là nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025.

Theo Nghị quyết 68/NQ-CP, quan điểm cắt giảm, đơn giản hóa liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thúc đẩy, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động kinh doanh; giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trong các văn bản hiện hành góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Đặc biệt, phải bảo đảm tính công khai, minh bạch; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong việc thực hiện cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; bảo đảm tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.

leftcenterrightdel
 Một doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ. Ảnh minh họa: L.A

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31 tháng 5 năm 2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020); đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật, nhất là các văn bản hành chính, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị định của Chính phủ; ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Cần xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, sản phẩm dự kiến hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan liên quan; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng thời hạn, công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ tại Chương trình. Không chỉ vậy, cần cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh phải lượng hoá được lợi ích mang lại cho doanh nghiệp, người dân và xã hội, không gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động, quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân; bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, không tạo ra khoảng trống pháp lý trong quy định pháp luật.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý; xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trình Thủ tướng Chính phủ. Các phương án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ thông qua phải gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan (đối với phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu phải gửi lấy ý kiến của Bộ Tài chính).

“Phải thường xuyên đối thoại, tham vấn, tiếp nhận, thu thập, ý kiến của các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, các đối tượng tuân thủ về quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động kinh doanh; về các giải pháp, phương án cắt giảm, đơn giản hóa và các kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân”, Nghị quyết nêu rõ.

Văn phòng Chính phủ cần thường xuyên tổng hợp các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp về các quy định không còn phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, qua đối thoại, tham vấn; giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ thống kê, rà soát, tính chi phí tuân thủ, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo kế hoạch hàng năm bảo đảm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Chương trình. Bên cạnh đó, thường xuyên công bố, công khai kết quả cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của các bộ, cơ quan ngang bộ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hải quan theo hướng điện tử hóa, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế; chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2019; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong quá trình cải cách các quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; tham gia ý kiến đối với phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu khi các bộ, ngành gửi lấy ý kiến và kiến nghị các bộ, ngành hoặc đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/5/2020.

Lan Anh


Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra