Thanh tra tỉnh Lâm Đồng tham gia góp ý đối với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Thứ tư, 05/10/2022 11:27
(ThanhtraVietNam) - Tại văn bản 1283/TTr - VP của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng gửi Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh về góp ý đối với dự thảo Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã tham gia một số ý kiến góp ý.
leftcenterrightdel
 Thanh tra tỉnh Lâm Đồng tham gia góp ý đối với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Cụ thể, về nguyên tắc hoạt động thanh tra (Điều 4), đối với nội dung về nguyên tắc hoạt động thanh tra đã được chỉnh sửa vào dự thảo Luật: một trong các nguyên tắc của hoạt động thanh tra là “tuân theo pháp luật; dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác (khoản 1 Điều 4), Thanh tra tỉnh thấy quy định này đã đầy đủ cả về đúng quy định của pháp luật; tính công khai, minh bạch, kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm minh; đúng đối tượng, mục đích, nội dung, hình thức, thời hạn thanh tra… Do vậy, Thanh tra tỉnh thống nhất và không có ý kiến bổ sung.

Về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra nhà nước (Chương II), Thanh tra tỉnh nhận định đối với nội dung dự thảo Luật quy định: “Thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ. Việc thành lập thanh tra tại các sở khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao” (khoản 2 Điều 27), Thanh tra tỉnh thấy quy định như trên là phù hợp. Quy định như vậy vừa bảo đảm được yêu cầu về quản lý nhà nước, sự thống nhất tương đối về tổ chức bộ máy Thanh tra sở trong phạm vi cả nước (đối với những sở được thành lập cơ quan thanh tra theo quy định của Chính phủ), vừa đáp ứng được đặc thù yêu cầu quản lý của từng địa phương (đối với những sở được thành lập cơ quan Thanh tra theo quyết định của UBND cấp tỉnh); đồng thời, vẫn thực hiện được mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra. Mặt khác, quy định như vậy sẽ tạo điều kiện để Chính phủ, chính quyền địa phương chủ động trong việc quyết định tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong từng thời kỳ phát triển của đất nước.

Đối với nội dung dự thảo Luật quy định:“Thanh tra tỉnh có nhiệm vụ thanh tra chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các sở không có cơ quan thanh tra” (điểm đ khoản 1 Điều 24); “Ở những nơi không tổ chức Thanh tra sở, Giám đốc sở giao cho đơn vị thuộc sở giúp thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 27). Thanh tra tỉnh thấy việc quy định như trên là phù hợp, đảm bảo được các chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tiêu cực của các sở không thành lập Thanh tra sở vẫn được thực hiện thống nhất, đảm bảo chức năng về quản lý Nhà nước.

Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán, theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng tại Điều 52 của dự thảo Luật quy định về Nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong quá trình thanh tra, Thanh tra tỉnh đề nghị xem xét, bổ sung thêm trường hợp : Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của giữa Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện thì Thanh tra tỉnh là cơ quan sẽ tiến hành thanh tra.

An Khang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra